Tottochan bên cửa sổ
Cập nhật: 30/06/2023 09:57
Quý vị và các bạn thân mến !
Là nhà văn thiếu nhi, đồng thời là một diễn viên và người dẫn chương trình rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Bà là người sáng lập ra Quỹ Toto Foundation, đặt tên dựa theo cô bé Tottochan trong cuốn sách nổi tiếng nhất của bà. Quỹ Toto Foundation đã đào tạo các diễn viên điếc một cách chuyên nghiệp nhằm hiện thực hóa ý tưởng mang hát kịch đến với những người điếc của Kuroyanagi.
Năm 1984 bà được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và là người châu Á đầu tiên ở vị trí này. Trong những năm cuối ở thập kỷ 80 và thập kỷ 90, bà đã đi thăm nhiều quốc gia đang phát triển tại Châu Á và châu Phi để làm từ thiện và thực hiện các nhiệm vụ thiện chí, giúp đỡ trẻ em đang phải chịu cảnh thiên tai và chiến tranh, đồng thời nâng cao sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với những trẻ em ở nước nghèo. Bà là Kuroyanagi Tesuko tác giả của cuốn sách “Tottochan bên cửa sổ”.
Đây là ấn bản đầu tiên được chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Nhật do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2019 đúng dịp 30 năm sau ngày ấn bản đầu tiên được phát hành tại Nhật Bản. Cuốn sách được nhiều thế hệ trẻ em thế giới yêu quý suốt 30 năm qua. Tính đến năm 2001, tổng số bản sách bán ra tại Nhật Bản đã lên tới 9,3 triệu bản trở thành một trong những cuốn bán chạy nhất trong lịch sử ngành giáo dục nước này. Cuốn sách được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau và khi bản tiếng Anh được xuất bản tại Mỹ đã được tờ The New York Times giới thiệu. Đây là một vinh dự hầu như không có tác phẩm nào có được.
Đó là câu chuyện hoàn toàn có thật kể về một cô bé theo học tại một trường tiểu học có thật ở Tokyo vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ II sắp kết thúc. Tottochan chính là tên thân mật của tác giả hồi nhỏ, cô viết cuốn sách với một mong muốn gửi lời cám ơn chân thành nhất đến thầy Kôbayasi - thầy Hiệu trưởng trường Tomoe trong cuốn sách, nữ tác giả viết: “Nếu tôi không gặp được thầy Kôbayasi có lẽ bây giờ tôi là một người mặc cảm đầy tự ti với cái mác đứa hư mà mọi người gán cho”
Cô bé không phải là thần đồng, cũng không có một tài năng đặc biệt thậm chí còn bị coi như là một học sinh hư khi ở trường cũ. Thế nhưng em đã sống rất chân thực với chính bản thân. Chính những nét vô tư, hồn nhiên và hiếu động ấy đã khiến người đọc rất thích thú. Cuốn sách hấp dẫn người đọc ngay từ những trang đầu bởi sự hồn nhiên, trong trẻo, chân thực và đáng yêu của cô bé.
Tottochan luôn gây sự chú ý bằng những câu nói và hành động khi trong giờ học cứ đóng nắp bàn đến cả trăm lần. Bạn sẽ càng thấy ngạc nhiên và thú vị khi cô bé trong giờ học lại đứng ra bên cửa sổ để gọi í ới các cô chú hát rong để nghe họ hát trong khi đang học bài. Chuyện sẽ không dừng ở đó khi cô bé còn ngó ra cửa sổ nhìn lên mà hỏi con chim nhạn đang làm tổ dưới mái hiên là “đang làm gì thế”. Và quý vị sẽ không khỏi buồn cười trước chi tiết cô bé ngồi vẽ lá cờ trên trên tờ giấy mà tua rua và cán cờ lại trượt ra khỏi tờ giấy và nằm lại trên bàn.
Đọc Tottochan bên cửa sổ, bạn như được trở về với những ký ức tuổi thơ, như bản thân mình cũng hiện hữu đâu đó trong từng câu chuyện. Tuổi thơ là một thế giới tuyệt vời và trẻ em cũng là những thiên thần tuyệt vời. Cuốn sách cũng như nhắc nhở nhẹ nhàng người lớn đã từng là trẻ con và đôi khi chúng ta không chịu hiểu để rồi ta thường áp đặt và trách mắng. Người đọc sẽ biết những lý do mà Totochan giải thích cho hành động của mình. Tất cả đều rất hợp lý. Em liên tục đóng mở nắp bàn là vì em rất thích chiếc bàn học có nắp nâng lên, nó khác bàn học nhà em có các ngăn kéo. Rồi lý do em đứng bên cửa sổ khi đoàn hát đã đi qua cũng thật thú vị “Thưa cô, có thể là ban nhạc khác sẽ đến. Và thật tiếc nếu học đến mà chúng em không được gặp”. Hay khi em giải thích cho cậu bạn Sackochan lý do vì sao không thấy ngôi sao nào khi nhìn xuông giếng “Tớ nghĩ sao ngủ ban ngày và thức dậy vào ban đêm để chiếu sáng’.
Tomoe là ngôi trường tiểu học mới của Tottochan. Đây là ngôi trường rất đặc biệt và kỳ lạ do thầy Kobaysya đã xây dựng bằng chính tiền của mình. Ngôi trường là cả một đoàn tàu gồm sáu toa đang được xếp ở sân trường rất gần gũi với thiên nhiên. Trong lớp học mà các em được ngồi bất kỳ chỗ nào các em thích, được học những gì mà các em thích trước, được mặc bất cứ bộ quần áo nào mà các em thấy thoải mái để chạy nhảy, vui đùa, khi các em đi ăn trưa, khi đi dạo, khi đi tắm ở hồ bơi của trường.Tôi chắc chắn rằng bất cứ ai đã đọc cuốn truyện này đều ấn tượng và yêu quý ngôi trường ấy. Sau khi đã quen với những điều kỳ lạ ấy, bạn sẽ ngẫm lại và sẽ nhận ra rằng đó là một ngôi trường mà ai cũng mơ ước nên trong sự yêu quý đó có gửi gắm cả ước mơ và hy vọng của một thời bé dại.
Trong ngôi trường này, thầy Kobaysyashi đã dành cho các em nhỏ một tình yêu sâu đậm, lòng nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, thầy có thể ngồi 4 tiếng chỉ để nghe Tottochan kể chuyện. Phương pháp giáo dục của thầy là quan điểm giáo dục tự do, tuyệt đối tôn trọng cá tính của từng học sinh. Việc học tập được tiến hành vào buổi sáng, buổi chiều dành cho việc đi dạo, hái rau, vẽ tranh và thầy cô hát và kể chuyện.
Thầy coi các em là những người bạn của mình, tôn trọng và hiểu tâm lý của các em, tạo điều kiện cho các em phát huy hết tiềm năng của mình. Nhờ thầy và những câu nói động viên, khích lệ của thầy “Em thật là một cô bé ngoan” hay “em sẽ làm được” đã nâng đỡ Tottochan để cô có thể hòa nhập và thành công được như ngày hôm nay.
Cuốn sách để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp về các nhân vật nổi bật trong cuốn sách. Nếu Tottochan cho bạn đọc những thú vị về suy nghĩ con trẻ thì thầy hiệu trưởng trường Tomoe đã cho bạn những bài học bình thường mà quý báu trong nghề dạy học và niềm tin vô bờ bến dành cho các em và nghề giáo “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn kế hoạch của thầy cô ”. Phương pháp giáo dục của thầy đến tận giờ vẫn là phương pháp lý tưởng mà chúng ta theo đuổi. Tại Việt Nam, cuốn sách là cánh cửa để người đọc Việt Nam khám phá thế giới văn học trẻ Nhật Bản với nhiều tình cảm và kỷ niệm quý giá. Sự đồng cảm với tâm hồn trẻ thơ, cùng những thôi thúc về lòng tự tôn, giá trị làm người đã làm nên những phẩm chất trường tồn của tác phẩm.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
NGT: Hồng Anh