Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn
Cập nhật: 26/08/2020 14:24
Trong những thập kỷ gần đây, trên hành tinh của chúng ta, những thuật ngữ “Văn hóa”, “Văn minh”, “Truyền thống”, “Văn hóa truyền thống” đã trở thành những từ khóa phổ biến mang tính thời thượng, được nhiều người quan tâm và nhắc đến trong cuộc sống và các phương tiện truyền thông. Đó là một điều có ý nghĩa và có thể hiểu được.
Trải qua hàng ngìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã xây dựng, hình thành một nền văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa truyền thống ấy đã góp phần tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước non sông.
Ở Việt Nam, trong vòng một thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc biến động, đổi thay, xáo trộn và đấu tranh văn hóa. Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, trước cơn lốc xoáy về tư tưởng, lối sống và hệ giá trị, chúng ta lại đang đứng giữa giao lộ của những ngã rẽ chưa có biển chỉ đường rõ ràng. Có lẽ trong cuộc sống thường ngày, chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy của những lo toan và ganh đua kinh tế, lợi danh, mà đã lãng quên đi hoặc không còn thời giờ để dành cho việc suy nghĩ và chăm sóc đời sống tinh thần. Mặt khác, nhìn rộng ra trên phạm vị toàn cầu, chúng ta đang đối diện với một thách thức là những va chạm xung đột giữa các nền văn minh, văn hóa đang tồn tại, lúc âm ỉ, khi bột phát. Hiện nay nhân loại đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo và kêu gọi về vấn đề văn hóa. Liên Hợp quốc, tổ chức UNESCO đã phát động Thập kỷ văn hóa, tổ chức năm Đối thoại những nền văn minh, ra nhiều Nghị quyết, tuyên ngôn về đa dạng, đa nguyên và khoan dung văn hóa.
Có thể nói, Văn hóa vốn là một hoạt động thuộc thế giới người nói chung và cũng là đặc trưng của một một cộng đồng người nói riêng. Nó là điều kiện sinh tồn của mỗi một con người, đồng thời cũng là thành tựu của từng tộc người và là cái để phân biệt giữa cộng đồng người này với các cộng đồng người khác, là tấm “Thẻ căn cước” để xác định cá tính của từng dân tộc trong cộng đồng nhân loại, là tấm “Giấy thông hành” để mỗi quốc gia được ngồi vào bàn hội thảo Quốc tế, và là thông điệp đưa các dân tộc xích lại gần nhau trong một thế giới chung vì hòa bình, hữu nghị và vì lợi ích căn bản lâu dài.
Hòa chung với không khí thi đua chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2020). Thư viện tỉnh Hà Nam trân trọng giới thiệu cuốn sách “Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn” của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ do Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông phát hành. Cuốn sách dày 599 trang, bao gồm 6 chương:
Chương I: Đại cương văn hóa Việt Nam truyền thống
Chương II: Đời sống vật chất - kinh tế
Chương III: Đời sống xã hội - chính trị
Chương IV: Đời sống tư tưởng tâm linh
Chương V: Đời sống văn hóa nghệ thuật
Chương VI: Cộng đồng văn hóa Việt Nam
Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu biết kỹ lưỡng về nền văn hóa truyền thống dân tộc, một nền văn hóa có hàng ngàn năm tuổi và trải ra trên một không gian xã hội rộng lớn nhiều vùng miền với nhiều đặc trưng khác biệt. Nền văn hóa Việt Nam truyền thống sẽ là một điều bổ ích không thừa, nếu không muốn nói là cần thiết. Văn hóa là một lực lượng tinh thần, có thể chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, là ngọn nguồn, xung lực của phát triển xã hội. Thế hệ trẻ ngày hôm nay luôn phải gìn giữ, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho người dân, là việc làm vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !
Hà Hằng