Di tích đặc biệt cấp quốc gia chùa Đọi Sơn
Cập nhật: 08/06/2018 11:33
Quần thể di tích chùa Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên là một trong số những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Nam và trấn Sơn Nam xưa. Ngôi chùa cổ kính linh thiêng tọa lạc trên đỉnh núi Đọi đột khởi trên đồng bằng trù phú.
Chùa được xây dựng trên đỉnh núi Đọi, trong khuôn viên 2 ha vườn rừng. Theo sử liệu thành văn và các truyền thuyết có liên quan, chùa Đọi Sơn vốn là một am nhỏ tồn tại từ thế kỷ X-XI. Thời kỳ này, chùa gắn với tên tuổi của vị sư Đàm Cứu Chỉ, ông chính là người thay kiến trúc tranh tre, nứa lá của thời trước để xây dựng chùa bằng gạch ngói là vật liệu bền vững hơn.
Đến thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông trên đường kinh lý qua đây thấy cảnh sắc còn đó mà chùa đã bị đổ nát nên đã cho xây dựng lại chùa và dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh. Công trình bắt đầu xây dựng năm 1118 đến năm 1121 hoàn thành. Từ đó, chùa Đọi Sơn trở thành đại danh lam kiêm hành cung, một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng thời Lý với ý nghĩa trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Đặng Thị Bích Liên trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn cho lãnh đạo địa phương và nhà chùa.
Chùa Đọi Sơn đứng vững hơn 300 năm. Đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa và tháp bị phá hủy hoàn toàn. Đến các triều hậu Lê, nhà Mạc, nhà Nguyễn, chùa Đọi Sơn đã được xây dựng và tu tạo liên tục, dần dần được khôi phục với 125 gian, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc gồm có tòa bái đường, thiên hương và thượng điện, hai dãy hành lang hai bên thờ thập bát La hán.
Trong kháng chiến chống Pháp, một lần nữa ngôi chùa cổ kính này lại bị tàn phá. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tích cực tiến hành trùng tu lại ngôi chùa. Lần sửa chữa lớn vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây. Đầu những năm 2000, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Hà Nam, chùa tiếp tục tu bổ, tôn tạo xây dựng mới một số công trình để bảo đảm phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, linh thiêng, mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lý. Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo trong lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Một trong số những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa nổi bật được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn hiện nay chính là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh. Tấm bia với nghệ thuật chạm khắc độc đáo chứa đựng nhiều thông tin quý hiếm cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý.
Đặc biệt, tấm bia Sùng Thiện Diên Linh còn là tấm bia duy nhất cung cấp những thông tin quý hiếm về Hội đèn Quảng Chiếu ở kinh thành Thăng Long, nghệ thuật múa rối nước, nghi lễ mật giáo, việc tu sửa chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), quá trình xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh... Chùa Đọi Sơn cũng là một trong số ít những ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý có giá trị như: Tượng Đà Bảo Như Lai, tượng Kim Cương, tượng đầu người mình chim (kinari) - tác phẩm thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai nền kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt thời Lý.
Cùng với các hạng mục kiến trúc và hệ thống hiện vật, đồ thờ tự, chùa Đọi Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản Hán Nôm phong phú, đa dạng và rất có giá trị. Đây là nguồn tư liệu quý giá đã đúc kết tinh hoa văn hoá ở nhiều triều đại, từ tri thức dân gian đến tri thức bác học, bao gồm: Các tập kinh, kệ; văn tế, văn khấn, văn cúng, văn chầu, văn bia; hoành phi, câu đối, bài châm, thẻ bài, thơ, phú... là tài sản hết sức độc đáo có giá trị vô giá mà ít nơi có được.