Ths. Nguyễn Hữu Giới
Chủ tịch Hội Thư viện VN
Thực hiện chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là Tam nông) của Đảng và Nhà nước ta, từ nhiều năm nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã triển khai đồng bộ các mặt hoạt động: Từ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đến tạo nguồn lực (cán bộ) để thực thi nhiệm vụ; từ xây dựng các kế hoạch, nội dung, chương trình hành động đến đề xuất các phương pháp, giải pháp thực hiện (kể cả phối, kết hợp & lồng ghép với các nội dung, chương trình khác của Chính phủ, của các Ban, Bộ, ngành Trung ương (trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa). Và thực tế những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ấy cũng đã mang lại những kết quả ban đầu thiết thực rất phấn khởi, rất đáng ghi nhận.
Riêng trong lĩnh vực thư viện, vấn đề tăng cường đưa sách báo đến các vùng nông thôn, nông nghiệp và nông dân ở nước ta, từ lâu đã là một nhiệm vụ được ưu tiên, có thể nói là “nhiệm vụ thường xuyên-thường trực” của cả hệ thống thư viện công cộng ở Việt Nam. Bởi lẽ hiện nay nhu cầu đọc ở vùng nông thôn, cơ sở nước ta đang ngày càng gia tăng. Lý do thì có nhiều, song xin được nêu ra một vài lý do chính như sau:
- Dân trí ở nông thôn nước ta hiện nay đã cao hơn trước. Tỷ lệ người thất học, mù chữ đang giảm mạnh. Chúng ta đang tiến tới phổ cập THPT đối với thành thị, phổ cập THCS đối với nông thôn; phổ cập tiểu học đối với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Lực lượng trí thức ở nông thôn như: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… ngày càng gia tăng, đặc biệt là tầng lớp cán bộ hưu trí đang sinh sống ở cơ sở cũng rất đông. Đội ngũ trí thức này có nhu cầu rất lớn về sách báo, tri thức.
- Từ khi chuyển đổi cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, người dân ở khắp mọi nơi, nhất là ở vùng nông thôn đang đua nhau làm giàu. Họ có nhu cầu đọc sách báo để tìm hiểu những vấn đề về: giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là những tri thức mới về sản xuất, nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ v.v…
Ngoài ra phải kể đến số đông các cháu thiếu nhi, học sinh, sinh viên, các cán bộ đang làm việc ở cấp cơ sở, vùng nông thôn... cũng có nhu cầu đọc sách báo để phục vụ cho học tập, công tác và nâng cao sự hiểu biết.
Tuy nhiên lại đang tồn tại một nghịch lý: Đó là, sách báo ngày nay được in ra ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu được phát hành ở thành phố, thị xã, thị trấn (nơi có dân trí cao), chỉ có số ít/ rất ít đến được với bà con nông dân ở cấp cơ sở, các vùng miền núi. Chính người dân ở cơ sở nước ta và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (nơi có dân trí thấp) vẫn đang hàng ngày thiếu đói sách báo?
Những thập niên vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, hệ thống TVCC Việt Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn (về cơ sở vật chất, trang thiết bị & phương tiện, vốn sách báo, tài liệu, cả nguồn nhân lực....); song nhìn chung đội ngũ cán bộ-nhân viên các thư viện của cả nước đã luôn nêu cao tinh thần vượt khó, đoàn kết, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, để đưa văn hóa đọc đến được với bà con nhân dân ở các vùng nông thôn (kể cả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo). Trong các hoạt động hết sức có ý nghĩa ấy, với khẩu hiệu “sách đi tìm người”, nhiều lần cán bộ thư viện của chúng ta gùi sách về bản, nhiều chuyến công tác của chúng ta đi gây dựng phong trào đọc sách báo ở cơ sở, miền núi hết sức gian khổ, khó khăn (do đường sá xa xôi, địa hình phức tạp, dân trí thấp), nhằm đưa ánh sáng văn hóa của Đảng đến với bà con, đưa tri thức, thông tin đến với bản làng xa xôi, đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong bà con nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và khơi dậy nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Vấn đề xây dựng thư viện vùng nông thôn và luân chuyển sách báo xuống cơ sở, xuống với bà con nông dân, tới những người làm nông nghiệp, chân lấm, tay bùn.... nhiều nước trên thế giới, cả trong khu vực ASEAN và Việt Nam ta đã làm lâu rồi. Còn nhớ cách đây vài thập kỷ, đã có khẩu hiệu và phong trào “sách đi tìm người”. Và những năm thời kỳ còn bao cấp thập kỷ 60-70, thế kỷ XX, công tác luân chuyển sách báo xuống cơ sở, vùng nông thôn cũng đã là phong trào sôi nổi & rất hiệu quả của hoạt động thư viện Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ hoạt động thực tiễn, công tác xây dựng thư viện ở vùng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cho bà con nông dân ngày hôm nay có những đặc thù khác trước, điều kiện rất khác trước, đó là:
1. Dân ta có gần 80 % sống ở nông thôn và mặt trận nông nghiệp hiện vẫn được coi là một mặt trận hết sức quan trọng (về an ninh lương thực, về cây công nghiệp, lâm – ngư nghiệp và về tiêu thụ hàng hóa), hiện đang thu hút số đông người dân sinh sống & làm ăn và GDP của sản phẩm nông nghiệp ở nước ta vẫn chiếm một tỷ trọng rất cao trong nền kinh tế quốc dân.
2. Đa số người dân ở vùng nông thôn, ở các bản làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thường có dân trí thấp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn (ở vùng miền núi, có khi đi từ huyện xuống xã/hoặc xã xuống bản, làng phải mất cả ngày đường…). Thêm vào đó, khi tiếp cận văn hóa đọc, thì đa số đồng bào ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thường có 3 ít, đó là: ít chữ, ít tiền bạc và ít cả thời gian. Vì thế công tác xây dựng thư viện & luân chuyển sách báo về cơ sở, các vùng nông thôn hiện đang là nhu cầu, đòi hỏi bức bách của người dân. Bởi lẽ khách quan đang tồn tại một nghịch lý / rất khó khắc phục về công tác xuất bản ở nước ta, đó là: Hàng năm cả nước xuất bản khoảng 30.000 tên sách, song mỗi cuốn bình quân chỉ in 1000-1500 bản; thơ xuất bản còn ít hơn nữa: bình quân 500 - 800 bản/tên sách ).
Xe ô-tô thư viện lưu động của Thư viện tỉnh Yên Bái đưa sách về cơ sở phục vụ các em học sinh \
3. Vấn đề hôm nay, chúng ta đã có những kho sách báo, tài liệu phong phú hơn so với trước đây (ở các thư viện tỉnh) khi tổ chức thực hiện công tác luân chuyển. Hiện tại, chúng ta có hẳn một kho sách hạt nhân với nhiều sách báo mới, nội dung cơ bản là tốt, phù hợp với từng vùng miền, địa phương (chủ trương của Bộ ta, thành lập từ 2003 đến nay, có những thư viện tỉnh có tới 40-50 (thậm chí có nơi có 60-70) ngàn bản bản sách trong kho luân chuyển-kho sách hạt nhân). Điều này rất thuận lợi cho công tác luân chuyển sách báo về cơ sở, đến với vùng nông thôn, đến với bà con nông dân.....
4. Phương thức tổ chức luân chuyển cũng linh hoạt hơn, uyển chuyển hơn. Phương tiện ngày càng hiện đại hơn. Điều này, không cần dẫn chứng nhiều thêm, qua báo báo kinh nghiệm của các thư viện tỉnh, chúng ta đã thấy rõ điều đó. Nghĩa là nếu trước đây chúng ta tổ chức luân chuyển theo 1 chiều, từ tỉnh xuống huyện, cơ sở, thì ngày nay có thể áp dụng cả 2 chiều, miễn là hợp lý, tiết kiệm & hiệu quả. Về phương tiện, rõ ràng khi xã hội càng tiến lên, giàu có lên, thì chúng ta cũng sẽ dùng nhiều phương tiện hiện đại hơn: từ xe thô sơ, xe đạp trước đây đến xe gắn máy, ô tô, đến cả ô tô thư viện lưu động (như một số Thư viện tỉnh/TP: Yên Bái, Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh; Ninh Bình; Quảng Nam; Nghệ An; An Giang; Đắc Lắc; Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên; Lâm Đồng …) thì quả là bước tiến rất xa, rất ngoạn mục khi ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động của ngành thư viện Việt Nam.
5. Xuất phát từ thực tiễn, từ nhu cầu của cuộc sống, đó là hiện nay trong xu thế làm ăn kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương trong cả nước, vấn đề học tập kinh nghiệm từ sách báo, khai thác sách báo để có thêm thông tin & tri thức cần thiết cho các nhà quản lý, các cấp chính quyền địa phương và bà con nông dân ở vùng nông thôn đang là một nhu cầu cấp bách, thường trực hơn bao giờ hết. Nói lên điều này, không có nghĩa là trước đây thời bao cấp không có nhu cầu nhiều /hoặc không quan trọng lắm về vấn đề sách báo cho cơ sở, mà phải nhìn nhận câu chuyện này dưới góc độ làm ăn kinh tế cực kỳ năng động (nhất là kinh tế tư nhân), phát triển mọi mặt đời sống văn hóa-xã hội ở cơ sở, các vùng nông thôn của công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.
Để góp phần tăng cường hoạt động thư viện và duy trì văn hóa đọc ở cấp cơ sở và các vùng nông thôn nước ta trong những năm tới, xin được đề xuất một số nội dung & giai pháp sau đây:
+ Một là: Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về công tác quan trọng này - nhất là đối với cán bộ quản lý, các đồng chí lãnh đạo ở tỉnh, huyện và cơ sở. Phải coi đây là khâu đột phá của ngành thư viện Việt Nam, là công tác, nhiệm vụ trọng tâm & đầu tư thường xuyên thời gian và tiền của hơn nữa - nhất là trong chương trình lồng ghép xây dựng nông thôn mới - chứ không phải là công việc thời vụ, càng không phải là công việc nhất thời và mang tính hình thức.
+ Hai là, thư viện tỉnh cần tham mưu cho Sở VHTTDL/Sở VHTT và UBND tỉnh để có cơ chế, chính sách đặc thù (xây dựng các Đề án/Kế hoạch tổng thể)/ hoặc vận dụng để có điều kiện tốt nhất cho xây dựng thư viện cơ sở, tổ chức luân chuyển sách báo về cơ sở (lưu ý: đầu tư CSVC, kinh phí, nhân sự, phương tiện làm việc, chế độ thù lao, công tác phí v.v… cho các hoạt động này.
Đại diện Báo điện tử Trí Thức Trẻ trao tặng sách THƯ VIỆN VÙNG QUÊ
cho trường THCS Minh Hồng (tỉnh Thái Bình
Phục vụ ban đọc tại Trung tâm học tập công đồng ở tỉnh Tiền Giang (ảnh Internet)
+ Ba là, hiện đại hóa thư viện cấp tỉnh (như một đầu tàu thư viện ở các địa phương), nhất là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiện đại hóa thư viện và tăng nhanh vốn tài liệu “kho sách lưu động” (để luân chuyển về cơ sở) bằng nhiều nguồn lực có thể khai thác được cả ở Trung ương và địa phương. (Bài học kinh nghiệm này, nhiều thư viện tỉnh/thành phố của chúng ta đã làm, làm rất tốt từ nhiều năm nay…).
+ Bốn là, Thực hiện tốt XHH công tác thư viện để huy động mọi ngồn lực của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước cho phát triển thư viện (một số bài học của các tỉnh, thành: Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Bà rịa-Vũng tàu, Đồng Nai, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Dương...). Đặc biệt tăng cường mối liên kết và phối hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội, ở TW và địa phương để tạo ta nhiều nguồn sách, báo cho nông thôn-cơ sở (như Chương trình sách hóa nông thôn, do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng; các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, các Tủ sách dòng họ, Tủ sách gia đình, Tủ sách trường học v.v…) đã và đang phục vụ có hiệu quả cho nhân dân trên địa bàn các vùng nông thôn, miền núi; đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa hoạt động thư viện ở cơ sở. Phải phấn đấu đưa sách, báo đến được hầu hết các đồn biên phòng, các xã, làng, bản, kể cả những nơi khó khăn nhất, xa xôi hẻo lánh nhất của đât nước.
+ Năm là, trong hoạt động luân chuyển sách báo, cần linh hoạt, chủ động bằng nhiều phương cách, nhiều giải pháp sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất (bài học ở một số thư viện tỉnh, thành phố ký kết với Bưu điện tỉnh để thực hiện luân chuyển sách báo xuống cơ sở là một giải pháp tuyệt vời, hợp lý, tiết kiệm; hoặc có nơi, do điều kiện, lý do nào đó, yêu cầu đơn vị cơ sở có thể trực tiếp đến nhận sách báo tại thư viện cấp trên…).
+ Điều thứ sáu, đó là sự nhiệt tình, năng lực tổ chức của cán bộ thư viện. Có kho sách lưu động tốt, phương tiện kỹ thuật tốt mà cán bộ thiếu trách nhiệm, thì hiệu quả chưa chắc đã cao. Vì vậy, chúng ta mong muốn sao cho đội ngũ cán bộ làm công tác lưu động này phải thật sự là người tâm huyết với cơ sở, lăn lộn “ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với cơ sở và bà con nông dân, có năng lực và trách nhiệm cao, tháo vát để xử lí những tình huống nảy sinh trong quá trình thực tiễn công tác.
Thực hiện có hiệu quả những nội dung trên đây, cũng tức là ngành thư viện của chúng ta sẽ góp phần quan trọng vào việc “chung tay xây dựng nông thôn mới”, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn” và nhất là thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.