Những văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trong khi Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Iran, Anh… từng giờ, từng ngày, số người nhiễm và chết vì dịch bệnh Covid -19 vẫn đang tăng lên cấp số nhân, thì ở Việt Nam, tính đến 7 giờ sáng ngày 01/4/2020, số trường hợp dương tính với Covid - 19 được Bộ Y tế công bố là: 212. Trong đó, tổng số ca được bình phục là 60. Sở dĩ Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước. Cả thế giới khâm phục Chính phủ Việt Nam đã có sự chuẩn bị và những phương án kiểm soát dịch bệnh hiệu quả từ rất sớm. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang được triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và của toàn dân.
Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có văn bản chỉ đạo. Ngày 29/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký Công văn số 79-CV/TW gửi: Các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra. Sáng 20/3/2020, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Với tinh thần quyết liệt, chủ động coi công tác phòng, chống dịch bệnh như "chống giặc", Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục chỉ đạo và ban hành các văn bản để định hướng các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã luôn theo sát thực tế diễn biến bệnh dịch, chỉ đạo các biện pháp ứng phó kịp thời. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã truyền thông điệp đến Nhân dân Việt Nam: "Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh". Và gần đây nhất đặc biệt là lời kêu gọi hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Thực hiện Chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã liên tiếp ban hành các Văn bản, Quyết định chỉ đạo, hướng dẫn các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm:
Công văn số 389/CÐ-BVHTTDL ngày 29/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Công văn số 391/BVHTTDL-VHCS ngày 31/1/2020 về việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích.
Công điện số 393/CĐ-BVHTTDL ngày 31/1/2020 về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích.
Công văn số 445//BVHTTDL-TV ngày 06/2/2020 về việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona.
Công văn số 243/TCDL-KS ngày 15/3/2020 về việc kiểm tra khai báo y tế tại cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc.
Quyết định số 856/QÐ-BVHTTDL ngày 18/3/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Công văn số 1169/BVHTTDL-TCDL ngày 20/3/2020 về việc ứng xử với khách du lịch nước ngoài.
Kế hoạch số 156/KH-VP ngày 23/3/2020 về việc tổ chức truyền thông về đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid -19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch…
Từ việc tìm hiểu những văn bản chỉ đạo và hướng dẫn này, mọi người đã tuân thủ nghiêm túc, đồng thời có được những thông tin đầy đủ về dịch bệnh và cách phòng chống, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lựa chọn áp dụng các biện pháp đúng đắn để bảo vệ chính mình, gia đình, cộng đồng. Mỗi người trong phạm vi hoạt động và vị trí công việc của mình, không phân biệt già trẻ, vị trí xã hội hãy là "một người lính" xác định cho mình sứ mệnh, hành động phù hợp và đúng mực, tích cực thực hiện đúng theo sự chỉ đạo và hướng dẫn để góp phần phòng chống bệnh, hướng tới một ngày mai Việt Nam hết dịch.
“Đọc lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từ Báo “Tổ Quốc”, tôi vô cùng xúc động. Lời kêu gọi đã hiệu triệu muôn trái tim và khối óc của người dân Việt Nam cùng chung một quyết tâm: “Đoàn kết để chiến thắng đại dịch”. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, chúng ta cảm thấy may mắn vì mình đã ở Việt Nam và thực sự thấm thía giá trị quý báu và vĩnh cửu của truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của dân tộc. Tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương cùng với ý thức, trách nhiệm và sự đồng lòng của toàn dân, Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng bệnh dịch như chúng ta đã từng chiến thắng các giặc ngoại xâm trước đây.
Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện
Toàn Ngành Thư viện chung sức đồng lòng chống đại dịch
Cùng với các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, thực hiện lời kêu gọi hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng chống đại dịch Covid -19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; sự lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn của Lãnh đạo Bộ VHTTDL; để giúp mọi người tìm hiểu toàn diện về các quy định và hướng dẫn về cách phòng chống dịch bệnh, Vụ Thư viện đã thu thập, tổng hợp và giới thiệu gần 80 văn bản chỉ đạo tiêu biểu của Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân một số thành phố trực thuộc Trung ương tới đông đảo người quan tâm. Không chỉ vậy, Vụ Thư viện còn phối hợp với Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thư viện Cần Thơ "Phòng chống và đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra" và "Những điều cần biết về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra và biện pháp phòng chống" đã được nhiều thư viện sử dụng để phổ biến trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, Vụ Thư viện đã tặng 2.600 cuốn sách cho các bác sĩ, y sĩ; người thân của các bác sĩ, y sĩ và những người đang ở khu điều trị cách ly của bệnh viện Đức Giang, bệnh viện Thanh Nhàn và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, với mong muốn được chung tay, tiếp sức và tạo động lực tinh thần cho "lực lượng tuyến đầu" trên mặt trận chống dịch, trong chương trình "Cùng bạn đọc sách - Kết nối yêu thương, lan tỏa tri thức".
Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ: "Với việc trao tặng sách, Vụ Thư viện mong muốn được góp phần nhỏ bé, chia sẻ những khó khăn, tạo được niềm vui, làm tăng thêm nghị lực cho các y bác sĩ "Chiến sĩ áo trắng" và người bệnh sớm vượt qua đại dịch".
Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà trao tặng sách cho đại diện bệnh viện Thanh Nhàn.
Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà trao tặng sách cho bệnh viện Đức Giang.
Trong khi đó, các thư viện trên cả nước cũng có những việc hành động thiết thực nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trung tá Mạc Thùy Dương, Phó Giám đốc Thư viện Quân đội (TVQĐ) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị trong phòng chống dịch Covid - 19, lãnh đạo, chỉ huy TVQĐ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong toàn cơ quan, nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm trong phòng chống dịch để hạn chế lây lan, quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", sẵn sàng cùng quân đội ứng phó trong mọi tình huống. Đặc biệt, chỉ đạo và yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên, chiến sỹ nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ các quy định về vệ sinh khử trùng, vệ sinh thực phẩm, đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế đi lại, giữ khoảng cách lúc tiếp xúc tại cơ quan cũng như tại nhà riêng...
Kể từ ngày 1/4/2020, thực hiện sự chỉ đạo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác tăng cường phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần "ở nhà là yêu nước", TVQĐ tạm dừng phục vụ bạn đọc tại các phòng đọc, phòng mượn, duy trì luân phiên trên 30% quân số trực và làm việc nghiệp vụ, trong đó, tập trung vào lãnh đạo, chỉ huy chủ trì các cấp, quân số còn lại nghỉ hoặc làm việc tại nhà. Tuy nhiên, các thủ thư áo lính vẫn sẵn sàng nhận lệnh điều động khi có nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, Trung tá Mạc Thùy Dương cho biết.
Bà Phan Thị Thùy Giang - Giám đốc Thư viện Thành phố Cần Thơ chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, cùng hệ thống thư viện công cộng trên phạm cả nước đã thực hiện công văn chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ VHTTDL và của Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ, Thư viện Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với Vụ Thư viện biên soạn các thông tin chuyên đề về phòng chống dịch bệnh để phổ biến đến đông đảo bạn đọc và người dân thông qua công tác phục vụ trong, ngoài thư viện, qua trang trang thông tin điện tử của thư viện. Với việc ứng dụng mã QR, thư viện đã tạo các thư mục toàn văn bài trích báo, tạp chí cho bạn đọc có thể truy cập từ xa qua điện thoại. Đồng thời thư viện còn tăng cường công tác phục vụ trực tuyến, cấp tài khoản đọc sách điện tử (e - book) miễn phí cho bạn đọc. Nhờ đó mà bạn đọc ở nhà vẫn có thể đọc sách của thư viện. Mỗi ngày bình quân có từ 6.000 đến 7.000 lượt bạn đọc sử dụng các dịch vụ trực tuyến của thư viện.
Bà Nguyễn Thị Thúy-Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh, ngày 6/2/2020, Bộ VHTTDL đã có công văn số 445/BVHTTDL-TV gửi các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19 và triển khai một số biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thư viện tỉnh kịp thời chia sẻ thông tin phòng chống, ứng phó dịch covid tới các thư viện cấp huyện/thị/thành phố và thư viện cấp cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Không chỉ soạn thảo các chuyên đề, thư viện còn in, phát tài liệu… giúp bạn đọc hiểu và có những biện pháp ứng phó đúng đắn, phù hợp, hệ thống thư viện còn chủ động duy trì các hình thức đọc, mượn sách thường xuyên, phù hợp với tình hình hiện tại.
Đối với thư viện tỉnh, bạn đọc đến thư viện phải tuân thủ theo qui định bằng việc rửa tay trước khi vào, ngồi cách xa nhau tối thiểu 2m, tuyệt đối phải đeo khẩu trang, hạn chế tối đa việc giao lưu giữa bạn đọc. Nhằm hạn chế tụ tập, đối với bạn đọc mượn tài liệu về nhà, thư viện tỉnh hướng dẫn họ tìm chọn sách qua mạng, sau đó gửi yêu cầu mượn, bạn đọc chỉ việc đến mang về mà không mất thời gian; còn với bạn đọc có nhu cầu, đăng ký mượn qua bưu điện, sách báo, tạp chí sẽ được gửi đến người nhận qua đường bưu điện.
Vào thời điểm này, Thư viện tỉnh chủ yếu ưu tiên phục vụ bạn đọc là các nhà nghiên cứu, bạn đọc tích cực – vệ tinh của thư viện, là cán bộ hưu trí, đặc biệt là phục vụ thiếu nhi bằng cách thông qua phụ huynh. Mỗi lần cho mượn, thư viện tạo điều kiện để mỗi phụ huynh có thể mượn thêm cho các con từ 10-15 cuốn (nhằm giảm tần suất đến thư viện).
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, thư viện tỉnh thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, sát trùng các phòng phục vụ bạn đọc bằng dung dịch. Những hành động thiết thực của thư viện tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được sử dụng hệ thống thư viện linh hoạt, duy trì thói quen đọc sách hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Thúy cũng cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thư viện tỉnh Hà Tĩnh cũng như hệ thống thư viện công cộng trên phạm cả nước, tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến bạn đọc và người dân thông qua trang thông tin điện tử thư viện, qua công tác phục vụ trong và ngoài thư viện.
Kể từ ngày 1/4/2020, thực hiện văn bản số 345/SVHTTDL-VP ngày 31/3/2020 của sở VHTTDL Hà Tĩnh về việc thực hiện các công tác cấp bách phòng chống dịch Covid 19, Thư viện tỉnh bố trí cán bộ viên chức làm việc tại nhà, không di chuyển khỏi nơi cư trú, thực hiện nghiêm túc giờ làm việc; trường hợp đi ra ngoài không rõ lý do công tác nếu bị phát hiện hoặc xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật; cơ quan luôn bố trí trực để giải quyết công việc, trực cơ quan 24/24 đề phòng cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản cơ quan.
"Ngày 31/3, Báo Điện tử Tổ Quốc đã đăng bài kêu gọi hiệu triệu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước có lẽ không chỉ cá nhân tôi mà mỗi người dân Việt Nam đang vô cùng xúc động, dẫu biết “chống dịch như chống giặc”, là trách nhiệm của mỗi người dân, nhưng từ sâu thẳm lòng mình, tôi bỗng thấy nghèn nghẹn trước lời “hiệu triệu” vì rằng: thời nào, đất nước mình cũng luôn có những người lãnh đạo tài tình, luôn đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết. Nhìn sang các nước, tôi thấy mình thật tự hào là công nhân của nước Việt Nam, được sống với truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, thủy chung."
Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Tĩnh
Lan Anh
Nguồn: Lan Anh, https://bvhttdl.gov.vn/