Chợ quê Việt Nam
Cập nhật: 20/02/2024 08:42
Chợ nào chợ chẳng có quà
Người nào chẳng hát một vài bốn câu
Ở đây đất đỏ như nâu
Sao đó không hát vài câu huê tình?
Chợ làng quê xưa không biết từ bao đời đã gắn liền với nhiều câu hát dân gian. Chợ quê không chỉ là nơi trao đổi sản vật người dân làm ra mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần của họ sau những ngày lao động vất vả. Chợ quê mang đậm dấu ấn vật chất và tinh thần của từng làng xã Việt Nam.
Chợ quê xưa thường được họp theo ngày âm lịch và chợ thay phiên họp nên gọi là chợ phiên. Người dân thường nhớ ngày phiên chợ theo thứ tự vần vè.
Đến chợ từng vùng miền (chợ đồng bằng, chợ trung du, chợ miền núi, chợ miền biển) ta thấy rõ sản vật mang đậm dấu ấn địa phương. Chợ Chuông ở Hà Đông thì bạt ngàn là những vật liệu làm nón và đủ các loại nón hấp dẫn người đến chợ. Câu ca dao: “Muốn ăn cơm trắng cá trê. Muốn đội nón đẹp thì về chợ Chuông” như bắt đúng ý thích của bao người và là niềm tự hòa của người dân nơi này. Chợ Quan ở Nam Định, chợ Sáng ở Hà Nam thuộc đồng bằng Bắc Bộ là các chợ có các loại gạo ngon nổi tiếng như nếp mít, nếp hoa vàng, tám xoan,… Chợ Yến ở Phú Yên là nơi trao đổi các hải sản của biển. Nổi tiếng ở chợ này là cá thu đa và cá bớp,…
Chợ quê không chỉ là nơi trao đổi những nhu yếu phẩm trong sinh hoạt mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa dân gian. Ở vùng chiêm trũng làng Và, tức Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có phiên chợ Đồng đặc biệt: “Chợ không lều, không quán. Chỉ có một cánh đồng bên tường đình. Các bô lão đến chợ có thú vui uống rượu ngoài trời. Rượu đế ướp hoa sen, hoa cúc, hoa nhài thành các loại rượu mùi hấp dẫn làm nên biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp không thể quên của các cụ. Chợ là nơi nuôi dưỡng tinh thần của nhiều thế hệ. Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã dành nhiều vần thơ đẹp cho phiên chợ quê hương:
Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay họp chợ có đông không?
Dở trời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đình được mấy ông?
Trải dài theo năm tháng, địa chí của huyện ngày, tỉnh kia có sự thay đổi nhưng trong cuốn sách này, người viết vẫn sử dụng những địa danh từ rất xa xưa, với mong muốn làm sống dậy những nét sinh hoạt về vật chất và tinh thần của chợ quê Việt Nam xưa. Đến nay, đất nước trong thời kì đổi mới, những dấu ấn truyền thống của chợ quê xưa không những không bị mai một mà nó còn được phát huy mạnh mẽ làm cho chợ quê thêm lắm sắc nhiều màu.
Thư viện tỉnh Hà Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hà Dung