Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo và giáo dục, cùng toàn thể nhân dân giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử Việt Nam; chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ (1945-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước. Ngày nay, cùng với nhân dân cả nước, Quân đội nhân dân Việt Nam góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023); 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023) để giúp bạn đọc, trực tiếp là cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ toàn quân có thêm tư liệu, hình ảnh về những trận đánh lịch sử của quân đội ta và nắm vững hệ thống quan điểm của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Thư viện tỉnh Hà Nam trân trọng giới thiệu cuốn sách “Những trận đánh lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam” của tác giả Cơ Long (sưu tầm và biên soạn) dày 497 trang, được NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2013. Đây là cuốn sách để tri ân với những thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để giữ cho được từng tấc đất quê hương, bờ cõi. Cuốn sách được chia làm 2 chương:
* Chương I: Những trận đánh lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (từ 1945 - 1954);
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại một khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Sự ra đời đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử quân đội ta. Ngay sau khi ra đời, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trận đầu nhất định phải thắng”, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập chiến công oanh liệt: Ngày 25-12-1944, hạ đồn Phai Khắt; ngày 26-12-1944, hạ đồn Nà Ngần trong hoàn cảnh “ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày 2 trận”… Những chiến thắng này báo hiệu cho toàn dân tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu để chuẩn bị cho thời kỳ đứng lên giành chính quyền, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hai chiến thắng đó đã mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu, đánh liên tục và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành của quân đội ta. Và những tháng ngày “trứng nước” đó, đội quân 34 chiến sĩ nhanh chóng phát triển trong nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, mở rộng cơ sở chính trị trong quần chúng, hợp nhất với Đội Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân, cùng các “đội quân đàn em” khác trên mọi miền đất nước đóng vai trò nòng cốt hỗ trợ cho toàn dân ta vùng dậy khởi nghĩa giành thắng lợi.
Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta vừa xây dựng vừa chiến đấu, liên tiếp mở các cuộc phản công và tiến công trên khắp chiến trường: đập tan các cuộc càn quét, cướp phá của gần hai vạn quân Pháp khi chúng tiến công Việt Bắc trong Thu Đông 1947; tập trung lực lượng mở chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 đập vỡ tuyến phòng thủ số 4 mà thực dân Pháp cố công xây dựng, chấm dứt thời kỳ ta buộc phải chiến đấu trong vòng vây. Tiếp đó quân ta mở ba chiến dịch tiến công: Chiến dịch Trần Hưng Đạo, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Hà Nam Ninh; tiến công 30 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh và các đơn vị kỹ thuật của quân Pháp tại mặt trận Hòa Bình và giành thắng lợi vang dội. Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, để tập tan nỗ lực quân sự cuối cùng của phía Pháp, Đảng ta chủ trương điều một bộ phận chủ lực mở các cuộc tiến công nhằm những hướng địch sơ hở ở miền rừng núi, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở đồng bằng. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta đã thực hiện thành công chủ trương chiến lược này, giành thắng lợi to lớn và toàn diện trong tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, góp phần quyết định buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt tham vọng tái chiếm Đông Dương, sau chín năm ròng rã lao vào cuộc chiến tranh xâm lược và chịu nhiều tổn thất nặng về sinh lực, của cải và uy tín.
* Chương II: Những trận đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (từ 1954 - 1975 )
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm. Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng một lần nữa vào trận với quyết tâm to lớn: cùng toàn dân giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Truyền thống kinh nghiệm tích lũy từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp tục được những người lính “Bộ đội cụ Hồ” phát huy lên tầm cao mới trong những điều kiện mới. Trên chiến trường miền Nam, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển trên ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng đô thị), kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng phương thức tác chiến của chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, lực lượng vũ trang ba thứ quân đã đẩy mạnh tiến công địch về quân sự, lập nên những chiến công vang dội gắn với những địa danh đã trở thành bất tử, như: Ấp Bắc, Ba Giai, Đồng Xoài, đường 9 Khe Sanh, Dốc Miếu, đường 9 Nam Lào... Đó còn là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, giáng đòn chí tử vào ý chí xâm lược của kẻ thù bằng cách đánh chiến lược mới rất độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; là cuộc tổng tiến công chiến lược 1972 đập vỡ tuyến phòng thủ vùng ngoài kiên cố nhất của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Trên vùng trời, vùng biển miền Bắc, lực lượng phòng không - không quân, phòng thủ biển ba thứ quân đương đầu và chống trả đích đáng máy bay, tàu chiến Mỹ; đập tan cuộc tập kích khổng lồ bằng pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội - Hải Phòng, lập lên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong những ngày cuối năm 1972. Chiến công oanh liệt trên hai miền Nam - Bắc của quân và dân ta đã buộc đế quốc Mỹ dù ngoan còn ngoan cố vẫn phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam.
Hơn 60 năm chiến đấu và xây dựng, chiến thắng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phấn đấu liên tục, không ngững giữ vững, nêu cao và phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng cách mạng, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam và truyền thống vẻ vang của quân đội, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.
Cuốn sách “Những trận đánh lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam” tập hợp nhiều bài viết phân tích về những trận đánh lịch sử của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Cuốn sách giúp thế hệ hậu sinh thêm hiểu và yêu mảnh đất mà mình đang sống bởi mỗi tấc đất quê hương đều thấm đẫm mồ hôi và xương máu của bao lớp thế hệ cha anh.
Thư viện tỉnh Hà Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !
NGT: Hà Hằng