Những trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam
Cập nhật: 22/03/2024 19:27
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – những chữ Thân Nhân Trung thay mặt vị vua anh minh Lê Thánh Tông soạn để khắc vào đá bia Tiến sĩ như một định đề bất biến. Lịch sử cũng đã chứng minh, nhân tài luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đại diện xuất chúng cho những con người tài giỏi ấy là các vị Trạng nguyên – danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ của người đỗ cao nhất trong các khoa Đình của các triều nhà Lý, Trần, Lê và Mạc, kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho ba vị trí đầu tiên. Người trạng nguyên nói riêng và đỗ tiến sĩ nói chung phải vượt qua 3 kì thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Để hiểu rõ hơn về các danh hiệu và tài năng của các vị Trạng nguyên trong lịch sử Việt Nam, Thư viện tỉnh Hà Nam xin giới thiệu thiệu tới bạn đọc cuốn sách do tác giả Dương Phong sưu tầm và tuyển chọn “Những trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam”, được nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2023.
Cuốn sách dày 199 trang, giới thiệu tới bạn đọc tài năng, đức độ và những cống hiến của các vị Trạng nguyên đặc biệt trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam Người đỗ đầu trong khoa thi của nền Nho học Việt Nam – khoa thi Minh kinh bác học năm Ất Mão 1075, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 đời vua Lý Nhân Tông là Lê Văn Thịnh - người khai khoa của các nhà khoa bảng Đại Việt và được người đời sau công nhận là Trạng nguyên. Lên 7 tuổi Văn Thịnh đi học nhưng 13 tuổi kinh, sử, thi, thư đều biết hết, thiên văn, địa lý tỏ tường nên ông được học trò thời ấy thán phục gọi là thần đồng. Với sự thông tuệ, uyên bác kỳ lạ của mình, lại gặp triều đình sáng suốt, biết trọng nguyên khí quốc gia, nên chỉ sau 10 năm ông đã lập công lớn và trở thành Thái sư, dạy học cho công chúa và hoàng tử trong triều đình.
Nhân vật cũng được nhắc đến trong cuốn sách là Trạng Trình, danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam - Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535), lúc đó ông đã 45 tuổi và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền hầu rồi thăng tới Trình Quốc công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.
Ngoài ra chúng ta còn được tìm hiểu về các vị: Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt Nguyễn Quan Quang; Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam Nguyễn Hiền; Trạng “Lợn” Nguyễn Nghiêu Tư; Trạng lường Lương Thế Vinh; hay vị Trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam Trịnh Tuệ,...
Ngày nay, tài năng và đức độ của các vị Trạng nguyên vẫn được nhân dân kính trọng và tôn thờ đến muôn đời, giúp bạn đọc hiểu về lịch sử cũng như noi gương cha anh, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lòng hiếu học phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thư viện tỉnh Hà Nam xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!
Kim Liên