Trân châu đỏ
Cập nhật: 27/03/2024 09:25
Tào Văn Hiên là giáo sư Trung văn của trường Đại học Bắc Kinh. Ông đã hoàn thiện tương đối hệ thống các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của mình, ông viết cho nhiều lứa tuổi như: mầm non, nhi đồng, thiếu niên. Trong đó, chia làm hai mảng lớn là văn học hiện thực và văn học kỳ ảo. Về quan hệ giữa “thiếu nhi” và “văn học” ông dùng tư duy lí tính và thực tiễn sáng tác rất xuất sắc để cống hiến cho văn học thiếu nhi Trung Quốc. Tác phẩm của Tào Văn Hiên rất sâu sắc, đề cập đến những nỗi bi thương và thống khổ nội tâm của tuổi thiếu niên, khắc hoạ rõ hình tượng nhân vật dám chống chọi với những khó khăn của cuộc đời. Để hiểu rõ quá trình và ý nghĩa quan trọng của việc trưởng thành ở độ tuổi thiếu niên để từ đó có thể đồng cảm và hiểu thêm về chính bản thân mình, mời các bạn tìm đọc cuốn “Trân châu đỏ” của tác giả Tào Văn Hiên do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019.
“Trân châu đỏ” kể lại giấc mơ đã thôi thúc cậu thiếu niên Căn Điểu đi về hướng Tây, tìm đến hẻm núi ngập tràn hoa bách hợp theo “ý trời”, gánh vác trách nhiệm “giải cứu” cô thiếu nữ mười ba tuổi tên là Tử Yên, trên đường đi cậu đã bất ngờ gặp nguy hiểm. “Ngay buổi đi săn đầu tiên, Căn Điểu đã nhìn tấy sợi dây vải buộc ở chân một con chim ưng có vẻ như cố tình để cậu bắn hạ. Trên sợi dây vải có ghi lời cầu cứu của một cô gái có tên là Tử Yên. Cô viết rằng, trong lúc hái hoa bách hợp, không may cô bị rơi xuống hẻm núi sâu. Kể từ đó, một hẻm núi ngập tràn hoa bách hợp cứ xuất hiện trong những giấc mơ của Căn Điểu. Trong mơ cô gái có tên Tử Yên kia nhìn Căn Điểu bằng ánh mắt bơ vơ, rất đáng thương. Giấc mơ này cư ám ảnh Căn Điểu mãi. Và cuối cùng, vào một ngày nọ, Căn Điểu quyết định dời khỏi quê nhà Dốc Cúc của mình để bắt đầu hành trình đi tìm hẻm núi ngập tràn hoa bách hợp”.
Lần ra đi khác thường này có điểm đặc biệt là ở “phía trước” luôn có tiếng gọi của “giấc mơ”. Nhân vật chính luôn ở trong hành trình, trải qua rất nhiều khổ nạn và thử thách, vì một mục đích mơ hồ, không thể nào xác định được rõ ràng. Hành trình bị kéo ra quá dài, khiến cho nhân vật chính có lúc quên mất rằng tại sao mình lại ra đi. Vì thế, có lúc cậu muốn quay lại nhưng không được, nên lại tiếp tục lên đường.
Đây là tác phẩm giàu chất lãng mạn, khiến người đọc vừa được dạo chơi trong thế giới mộng ảo lại được trải nghiệm cuộc sống hiện thực thực. Câu chuyện chính là hành trình trưởng thành của Căn Điểu, cũng là diễn biến tâm lí của bất cứ ai trong độ tuổi mới lớn. “Trân châu đỏ” trong truyện là thứ mà con người ta chác chắn phải đối mặt trong quá trình trưởng thành, nó vừa là một hình ảnh tượng trưng, vừa là lời nhắc nhở các cậu thiếu niên phải biết kiềm chế tham vọng của chính bản thân mình.
Trương Thủy