Ứng dụng công nghệ thông tin lan tỏa và khơi dậy niềm đam mê đọc sách
trên không gian mạng ở thư viện tỉnh Hà Nam
Trong kỷ nguyên số, mọi lĩnh vực, ngành nghề đang có sự chuyển mình rõ rệt để thích ứng. Ngành văn hóa nói chung và việc phát triển văn hóa đọc nói riêng cũng không ngoại lệ với nhiều ứng dụng và mạng xã hội liên tục được đổi mới nhằm mục tiêu phát triển phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Nhìn lại khoảng hơn chục năm trước mặc dù phương tiện nghe - nhìn đã rất phát triển nhưng internet và mạng xã hội chưa bùng nổ như hiện nay thì sách vẫn là phương tiện và là công cụ ngắn nhất, nhanh nhất để tiếp cập thông tin, tri thức. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi rất nhiều thói quen của con người trong đó có cả việc đọc sách. Văn hóa đọc bị lấn át bởi văn hóa nghe - nhìn, mạng xã hội thu hút sự chú ý, quan tâm và chi phối đời sống, giải trí của số đông. Việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành đề tài được các nhà quản lý văn hóa tích cực tìm kiếm lời giải.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm và dịch vụ qua mạng Internet, thư viện tỉnh Hà Nam đã từng bước thay đổi và phát triển thêm các hình thức phổ biến thông tin mới, trong đó bao gồm xây dựng và duy trì hệ thống trang website, cổng thông tin thư viện, cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin trực tuyến và tạo lập các trang chia sẻ thông tin trên Facebook, fanpage.
Website thư viện được thiết kế độc lập và đưa vào sử dụng tháng 10 năm 2018 với địa chỉ http: thuvienhanam.vn, đến nay trang web đã thu hút 87.248.795 lượt truy cập của bạn đọc, nhờ có trang website này, bạn đọc có thể truy cập và tìm kiếm thông tin thư viện thuận lợi ở mọi nơi, mọi lúc. Trang web được thiết kế khoa học; thông tin được Ban biên tập trang web thường xuyên cập nhật, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc; giao diện thuận lợi cho người sử dụng; có rất nhiều sản phẩm và dịch vụ của thư viện được đưa lên trang web: Tin tức - , Giới thiệu sách, Sách Địa chí Hà Nam,Thư mục chuyên đề, Báo chí viết về Hà Nam, Thông tin Thư viện, Tra tìm tài liệu OPAC, Sách điện tử,...
Mục “Tin tức”: liên tục được đưa tin cho thấy nhiều năm qua, Thư viện tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ngành, các đơn vị tổ chức được nhiều cuộc thi tìm hiểu về sách như: Đại sứ văn hóa đọc; vẽ tranh Nét vẽ tranh, Liên hoan Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách, Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách,…
Mục “Sách Địa chí Hà Nam”: Thư viện đã chọn lọc và số hóa toàn văn 145 cuốn sách Địa chí Hà Nam với 9.656 trang tài liệu, bạn đọc được đọc sách trực tuyến và tải miễn phí tài liệu địa chí có chủ đề đa dạng: lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị của địa phương; các tác phẩm văn học người Hà Nam,… Thông qua chuyên mục này, bạn đọc có thể truy cập nhanh chóng, chính xác tài liệu; lựa chọn sách dễ dàng, đúng nhu cầu và tiết kiệm thời gian.
Mục “Tra tìm tài liệu OPAC”: Toàn bộ dữ liệu của phần mềm thư viện điện tử tích hợp inforlib đều được upload lên Website thông qua Phần mềm tra cứu thư mục trực tuyến (OPAC) được đưa vào sử dụng trên trang thông tin điện tử của thư viện tỉnh từ tháng 12/2019, nhờ vậy, bạn đọc tiết kiệm được thời gian tìm kiếm tài liệu mình cần mượn về nhà, hoặc đọc tại chỗ vì có thể vào mạng tra cứu trước khi đến thư viện.
Mục “Giới thiệu sách”: mỗi năm thư viện đã giới thiệu hàng trăm cuốn sách hay, đa dạng phong phú với đầy đủ các chủ đề: Văn học, Lịch sử, Đảng, Bác Hồ,Văn hóa, Thiếu nhi, Phụ nữ, Hà Nam,… từ sách trẻ em đến sách người lớn, bài viết giới thiệu sách có thể đơn giản hoặc sâu sắc, hình thức dưới dạng tin, bài hay video đều có cả.
Có thể nói, việc xây dựng và phát triển Website là điểm truy cập tập trung và duy nhất, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và ứng dụng tới người dùng tin thông qua một phương thức thống nhất và đơn giản. Sự phát triển của Website thư viện đã tạo cho thư viện tỉnh Hà Nam những cơ hội và tiện ích thiết thực, giúp thư viện ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến như công nghệ web vào việc nâng cao chất lượng hoạt động và dịch vụ của mình.
Ngoài ra, đơn vị còn có trang fangape trên mạng xã hội facebook với tên gọi “Thư viện Hà Nam”. Bên cạnh đó, cá nhân cán bộ thư viện cũng thường xuyên tạo liên kết, đánh dấu địa điểm, giới thiệu sách hay với lời bình hấp dẫn ngay trên trang faceobook, zalo cá nhân của mình. Những hoạt động trên thể hiện sự hiểu biết, nhiệt tình, tính sáng tạo, lòng yêu nghề của người làm thư viện và trên hết là mong muốn đồng lòng xây dựng một cộng đồng người dùng tin có tri thức, đem lại lợi ích cho xã hội. Việc sử dụng fanpage,facebook, zalo để quảng bá sách mới, chia sẻ các trải nghiệm đọc sách của người dân và kết nối cộng đồng bạn đọc. Qua đó giúp người dân nắm bắt kịp thời được những cuốn sách hay, sách mới và kỹ năng đọc sách hiệu quả. Đối với việc đọc sách trên website online thông qua mục Sách điện tử thư viện tỉnh Hà Nam quan tâm, trú trọng giúp mọi người dễ dàng truy cập vào những nguồn tư liệu sách phong phú, đa dạng hơn. Nhờ vậy, bạn đọc mọi lứa tuổi không chỉ được cập nhật thông tin về những cuốn sách mới, những hoạt động của thư viện mà còn được nêu ý kiến, nhận xét, bình luận và có thể chia sẻ những cuốn sách mình yêu thích; việc tạo lập các Fanpage là thu hút được số lượng lớn người quan tâm nhằm phổ biến và chia sẻ thông tin, từ đó tạo sự tương tác cũng như mở rộng phạm vi tiếp cận tới những ngừ ời dùng tin (NDT) khác. Một trong những thuận lợi khi thư viện tạo lập trang Fanpage đó là tính phi lợi nhuận. Những thông tin hấp dẫn được chia sẻ trên Fanpage khiến NDT không có cảm giác bị buộc phải xem quảng cáo hay bị làm phiền, mà đôi khi còn tạo hứng thú và sự tò mò muốn tìm hiểu thông tin.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ giúp tăng cường hiệu quả trong việc lan tỏa văn hóa đọc mà còn là niềm tự hào của nhân dân. Giờ đây, ngoài những trang sách, báo giấy, họ đã từng bước tiếp cận với nguồn “Sách điện tử” phong phú. Thông qua ứng dụng CNTT, thư viện tỉnh đã giúp bạn đọc có thêm những trải nghiệm đọc sách mới, có sức hấp dẫn và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Các hoạt động này, nếu được duy trì và phát triển sẽ giúp Thư viện tỉnh Hà Nam trở thành thư viện hiện đại, thân thiện, gần gũi với bạn đọc hơn; góp phần quan trọng trong việc chia sẻ tri thức, truyền cảm hứng, phục vụ việc đọc và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng.
Trung Hiếu