Vẫn là binh nhất

Cập nhật: 10/03/2023 15:25
Vẫn là binh nhất

Tiếng súng chiến trận đã im lâu rồi, Tổ quốc đã đang và ngày một phát triển không ngừng trong hòa bình. Tuy nhiên, đề tài về chiến tranh vẫn được nhiều người cầm bút từng đi qua những cuộc chiến quan tâm, như tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” của nhà văn Trần Văn Tuấn, quê xã Văn xá, huyện Kim Bảng, Hà Nam đem đến cho bạn đọc niềm tự hào dân tộc. Đọc tiểu thuyết "Vẫn là binh nhất" của nhà văn Trần Văn Tuấn người đọc sẽ thấu hiểu về những hy sinh, mất mát, để thêm quý cái vô giá của hòa bình và thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.

Thư viện tỉnh trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách “Vẫn là binh nhất”. Cảm nhận đầu tiên khi nhìn vào cuốn sách là gam màu xanh áo lính, nổi bật trên nền màu xanh giản dị đó là hình ảnh anh bộ đội với quân phục chỉnh tề màu xanh lá, chiếc ba lô con cóc khoác sau lưng, ngôi sao vàng lấp lánh trên mũ, tạo nên sự sinh động của trang bìa.

Sách dày 416 trang, chia làm 3 phần: Mưa nắng và đạn bom; Bom đạn và nắng mưa; Độc thoại của người đàn bà. Cách chia của tác giả với chủ ý "bom đạn" và "nắng mưa" là không gian và thời gian chính của tiểu thuyết, là sự dữ dội của chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết, ở đó người lính sống, chiến đấu, hy sinh cả tuổi thanh xuân. Ở đó, câu chuyện mở ra, lôi cuốn người đọc dõi theo, khó rời trang sách.

Nhân vật chính là Hải, có thể xem cũng là nguyên mẫu của tác giả, cùng Cỏn "cối xay", người bạn lính mới từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ. Vừa đến nơi đã đụng trận, Hải dũng cảm chiến đấu rồi lạc đơn vị. Giữa chập chờn sống chết vì sốt rét rừng, Hải được Phong, người lính đặc công cứu sống, đưa về trạm xá quân y. Anh gặp lại Cỏn, gặp Cường - một lính trinh sát dày dặn kinh nghiệm và cùng chiến đấu với Cường, chứng kiến cảnh Cường bị thương và nỗi đau của Cường với vết thương quá hiểm (mất cơ quan sinh dục)… Trong những ngày ở trạm xá, Hải gặp và nảy sinh tình yêu với Đào, cô sinh viên Sài Gòn tham gia cách mạng.

Cuộc chiến đưa đẩy Hải qua nhiều đơn vị, được sống và chiến đấu với những người gan góc, đầy cá tính như ông Chín - lãnh đạo tỉnh ủy, bác sĩ Mạnh, bác sĩ Nhân, Hai Sắt, Ba Hoa, ông Ngọc, Thành "Năm mươi" cùng những người giữ kho Sơn, Nam, Trấn và những con người miền Nam chơn chất: Ba Búa, Ba Đẹt, Năm Cánh, Xuân, Út… Mỗi người một vẻ, tâm tính khác nhau, được khắc họa sống động trong những ngày gian khổ, hào hùng…

Những người lính giải phóng, các cô du kích ấy đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, quên mình. Tôi đã rơi nước mắt khi đọc đến đoạn ông "Bảy Tám" và Thành "Năm mươi" hy sinh hay cái cách cô y tá Ba Hoa giữ chồng khi biết anh mất khả năng đàn ông, cấp trên cho ra Bắc điều trị. "Anh ấy là của tôi. Anh ấy chết, tôi chết theo… Phải ghi rõ về C16 để đoàn tụ vợ con và công tác".

Qua từng trang sách, qua quá khứ đau thương, những bi kịch và hào quang, điều đọng lại là mong ước, khát khao hòa bình cháy bỏng trong mỗi con người. Đó là Cỏn "cối xay" vượt qua dao động những tháng ngày đầu nhập ngũ, anh dần trưởng thành rồi yêu đất, yêu người miền Nam. Anh tình nguyện ở lại chiến đấu với đội du kích ở Trảng Bàng, lấy vợ sinh con, được gia đình, đồng đội yêu thương. Anh muốn được làm nông dân và xử sự như một nông dân khi đi tìm con bò lạc trong trận bom và hy sinh bởi bom, được gia đình vợ chôn cất ngay trong vườn nhà, thân xác nằm lại trong đất miền Nam.

Đó là Hải, sau khi giải phóng miền Nam, đã trở lại giảng đường, ra làm thầy giáo, chấp nhận sống cảnh đời thanh đạm, không bon chen công lao, chức phận, không dài dòng biện giải vì sao vẫn là binh nhất, dù chiến đấu cực kỳ dũng cảm, từng được phong làm đại đội phó và khảng khái chối từ. Anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, mất mát tình yêu, song với lòng yêu nước và tình yêu của đời người đã vực anh dậy. Đi qua cuộc chiến, được và mất đều đã nếm trải, anh xem chuyện thiên hạ đua chen là tầm thường để biết tránh ra, sống nhẹ nhõm trong đời. Bởi chính anh nhìn ra cái giá của hòa bình và hạnh phúc trong đời sống, là thứ mà ngày còn đi học ở miền Bắc anh đã từng cắn bút khi viết bài luận văn bởi còn mơ hồ do còn trẻ dại, chưa thấu hiểu hết lẽ đời.

Ai đã từng đi qua Trường Sơn, chắc chắn cảm nhận được sốt rét như thế nào. Sốt rét như ma như quỷ, lúc ẩn lúc hiện. Sốt rét ác tính, Hải được gửi vào điều trị tại một bệnh xá quân y. Chính bản thân đã trải qua thực tế ấy, nên ngòi bút của Trần Văn Tuấn dễ dàng dẫn dắt người đọc đến những cảnh và người ở một góc mặt trận, khi cuộc chiến với tử thần bởi sốt rét đang diễn ra không kém quyết liệt. Người đọc như thấy chính mình đang trong cơn sốt rét ác tính qua sự mô tả của Trần Văn Tuấn: “Bây giờ Hải biết rõ ràng, cụ thể về sốt rét. Ở góc độ khoa học, đấy là sự tàn phá hồng cầu của vi trùng khiến các bộ phận trong cơ thể phải quyết liệt chống trả. Ở góc độ quân sự, đây là cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định xã hội trước cuộc xâm lăng của kẻ thù”. Và “Đang ngủ trên võng, gã thấy một luồng gió lạnh ập đến. Cùng lúc với một luồng hơi nóng bốc lên trong đầu. Sức nóng không chống cự nổi với hơi lạnh từ bên trong lan tỏa với tốc độ như bão xoáy cấp 12. Để chống lại sự tan rã, gã phải co quắp người lại. Đầu gối chạm cằm. Hàm răng nghiến chặt. Mắt nhắm lại. Hai tay ôm đầu bịt kín hai lỗ tai… Hải quấn vào người tấm ni lông và tấm võng. Bịt kín tất cả chỉ chừa lỗ mũi để thở…” .Những lúc ấy, người bị sốt rét ác tính như mộng du. Mê man, chập chờn với ký ức, kỷ niệm. Hải nhớ về thời đi học, anh thèm khát có chiếc áo bông hay áo len để giữ ấm ngực, một đôi giày để giữ ấm chân. Thấy Hải co ro, cô giáo Hằng, đẹp như  “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân tặng anh đôi giày bata đã cũ nhưng chưa rách. Giày của chồng cô để lại. Cưới chưa đầy 3 tháng thì chồng cô - bác sỹ quân y tên là Nhân đã đi B… Trong cơn sốt rét ác tính thập tử nhất sinh ấy, Hải nhớ đến cô giáo Hằng trẻ đẹp và chập chờn như gặp bác sỹ Nhân ở chiến trường. Trần Văn Tuấn giành trọn 400 trang sách không chỉ để mô tả cuộc chiến mặt giáp mặt với kẻ thù mà chủ yếu khắc họa ranh giới của sự sống và cái chết nơi “phía sau” mặt trận. Các tuyến nhân vật theo từng giai đoạn mà Hải gặp như Phong, Cường, Hai Sắt, Cỏn, Ba Búa; Đào, Ba Hoa, Năm Cánh, Út …đều tập trung khắc họa cảnh huống chiến tranh. Nơi không chỉ có bom đạn mà còn dầm dãi nắng mưa với biết bao biến cố mà người lính phải đối diện.

Đọc đến trang cuối của cuốn sách, người đọc mới cảm nhận được tại sao hai phần đầu của “Vẫn là binh nhất”, Trần Văn Tuấn lặp đi lặp lại tiêu đề: “Mưa nắng và đạn bom” rồi “ Bom đạn và nắng mưa”. Có phải không hai yếu tố ấy là đặc điểm của chiến trường, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Nơi những trận “sốt rét rừng hơn thú dữ Trường Sơn/ Đã cướp đi bao chàng trai trẻ/ Mỗi cơn sốt biến mình thành lãng tử/ Tuổi trẻ mình găm lại giữa ngàn cây” Cũng chính trong môi trường khắc nghiệt ”lửa thử vàng“ ấy, phẩm chất con người mới hiện lên một cách chân thực nhất. Và đúng như thế thông qua số phận các nhân vật trong “Vẫn là binh nhất”, Trần Văn Tuấn đã gỡ bỏ từng lớp hỗn tạp, rối ren của đời sống sinh học, đời sống tinh thần trong những hoàn cảnh đặc biệt, trong sự tranh chấp quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa bình thường và tầm thường, giữa khát vọng trong sáng và dục vọng thấp hèn, giữa niềm tin và thất vọng… để hé lộ màu sắc diệu kỳ của hạnh phúc: “Hạnh phúc với con người chính là khi bị bệnh có mẹ ở bên chăm sóc“; là khi thập tử nhất sinh có “cô gái mang đến cho mình một ly sữa. Tiếng nói của nàng êm ái: Tôi tên là Đào, y tá trực. Anh ráng uống hết ly sữa này đi“

                                                                                             Hà Dung

Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào
Scroll

© Bản quyền thuộc Thư viện tỉnh Hà Nam

Địa chỉ: Đường Trần Phú - Phường Quang Trung - TP.Phủ Lý - Tỉnh Hà Nam

Điện thoại: 0226.3851511 - Fax: 0226.3851511 - Email: [email protected]

Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Hà Nam" khi sử dụng lại nội dung trên trang thông tin

Đang Online:
921

Đã truy cập:
79.345.122
English