Trong suốt chiều dài lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ đã có nhiều đóng góp vào công cuộc dựng xây, bảo tồn, trau dồi, kế thừa, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp từ đời này sang đời khác.
Họ là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất. Họ là những người lao động cần cù, thông minh, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, thời đại của khoa học công nghệ, Phụ nữ Việt Nam vẫn luôn vươn lên để khẳng định mình, không ngừng trau dồi kiến thức, khả năng giao tiếp, chăm chỉ nghiên cứu khoa học, năng động sáng tạo….
Để ôn lại truyền thống vẻ vang đó, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10, Thư viện tỉnh Hà Nam xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả cuốn sách:“Hoa đất viêt”. Cuốn sách được các tác giả tuyển chọn, giới thiệu những tấm gương phụ nữ xuất sắc, điển hình từ xưa đến nay, là những “Hoa đất việt” trong cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc. “ Người ta là hoa đất” những bông hoa phụ nữ Việt Nam thắm tình, đậm nghĩa, tảo tần, lam làm, chịu thương chịu khó nhưng cũng không kém phần kiên trung, bất khuất đã chung tay viết nên trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách được chia làm 4 phần:
Phần I: Truyền thống Anh hung, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang
Phần II: Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc
Phần III: Tấm gương điển hình từ các phong trào thi đua yêu nước
Phần IV: Tấm gương điển hình phụ nữ sáng tao.
“Anh hung, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, ngắn gọn xúc tích nhưng hàm chứa đầy đủ tính cách tốt đẹp, phẩm chất cao quý, vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Mở đầu cuốn sách tác giả đã giới thiệu với chúng ta hình ảnh của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai nữ anh hùng, người đã thắp sáng ngọn lửa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt nam. Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã lôi cuốn một lực lượng quần chúng đông đảo chưa từng thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 65 thành được giải phóng, mở ra trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, thức tỉnh tinh thần yêu nước, phủ định cái uy quyền “bình thiên hạ” của Đế chế Hán đang thời kỳ thịnh đạt, đồng thời nó cũng khẳng định khả năng giành độc lập, mở đường cho thế hệ sau đi đến thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nó còn chứng minh cách mạng to lớn của phụ nữ, không những chiến đấu dũng cảm chống giặc ngoại xâm, mà còn động viên, đoàn kết và lãnh đạo quần chúng rất tài tình.
Nói đến Hai Bà Trưng, chúng ta không thể không nhắc đến hình ảnh nữ tướng Lê Chân, bà là người quê ở làng An Biên (nay thuộc Đông Triều – Quảng Ninh) do bà không chịu làm tỳ thiếp của Tô Đinh nên cha mẹ bà bị Tô Định giết chết, Lê Chân sang An Dương (Hải phòng ngày nay) khai khẩn đất hoang, lập xóm ấp, chiêu tập binh mã, sắm vũ khí, tích trữ lương thảo, chờ thời cơ. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Lê Chân được phong làm nữ tướng, chỉ huy cánh quân miền biển, tấn công vào sào huyệt của Tô Định ở Luy Lâu – Thuận Thành – Bắc Ninh. Giặc tan, Lê Chân được Trưng Vương phong là“Thánh Chân công chúa”, Khi mất để tưởng nhớ đến công lao to lớn của bà, nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi như: Quảng Ninh, Hải phòng, Hà Nam, …
Sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, một lần nữa khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập của dân tộc với câu nói hào hùng đầy khí phách của Bà. “Tôi muốn cưỡi cớn gió mạnh, đạp con sóng giữ, chém cá kình ở biển đông, quyét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi vòng chìm đắm, chứ đâu có chịu cúi đầu, khom lưng làm tỳ thiếp cho người” Tài chỉ huy chiến đấu chống giặc của bà khiến kẻ thù phải khiếp sợ gọi bà là Bà Vương, nhân dân ta rất tự hào và truyền tụng lại cho nhau hình ảnh kiên cường của người nữ tướng cưỡi voi dẹp giặc.
“Con ơi con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi, lên núi mà coi
Có Bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng”
Với sự kiên cường, thông minh, người phụ nữ dưới thời phong kiến đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng non sông đất Việt. Còn dưới thời đại Hồ Chí Minh thì sao? Mời quý độc giả đến với phần hai của cuốn sách“Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc”.
Trong thời đại Hồ Chí Minh thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong khó khăn, gian khổ, hình tượng người phụ nữ vẫn luôn toả sáng, tiêu biểu như: Mẹ Việt Nam anh hùng - Nguyễn Thị Thứ. Mẹ Thứ quê ở Điện Bàn – Quảng Nam, đã có tới 11 người thân là liệt sĩ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bốn người con của mẹ tham gia du kích, vệ quốc đoàn trong đó có ba người cùng hy sinh năm 1948. Nén đau thương mẹ tiếp tục tiễn năm người con lên đường chống Mỹ cứu nước rồi mẹ lại lần lượt nhận tin báo tử của các con từ khắp các chiến trường. Cuộc đời mẹ đã thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời cùng thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Hay hình ảnh Mẹ Suốt - Người lái đò tuổi 60 trên sông Nhật Lệ, dù đã ở tuổi xế chiều nhưng mẹ vẫn xung phong chèo đò chở cán bộ, thương binh, vũ khí qua dòng sông Nhật lệ, ngay cả trong lúc mưa bom bão đạn mẹ vẫn vững tay chèo, cho đến ngày 13 tháng 10 năm 1968 trong một trận bắn phá dã man của máy bay Mỹ, mẹ đã ngã xuống bên mái chèo quả cảm. Rồi hình ảnh Nguyễn Thị Minh Khai - Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung; Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc - Tuổi xuân huyền thoại; Võ Thị Sáu tiếng hát mãi ngân vang;….Và còn rất nhiều những nữ anh hùng gan dạ, không quản ngày đêm xung phong trong mưa bom lửa đạn, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng ra trận tuyến và cũng không sao kể hết tinh thần của họ “Ruộng rẫy như chiến trường, cuốc cày như vũ khí” cùng với hàng vạn nữ nông dân và công nhân “tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng” làm nên một hậu phương vững chắc, trên đồng ruộng, trên công trường, trong nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ…
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thực hiện lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” đó cũng là nội dung phần ba của cuốn sách mà các tác giả muốn giới thiệu đến quý bạn đọc: “Tấm gương điển hình từ các phong trào thi đua yêu nước”
Các tầng lớp phụ nữ khắp mọi miền hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước. Họ chủ động học hỏi, trang bị kỹ năng sống và trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực để khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Họ xây dựng gia đình hạnh phúc và đóng góp cho đất nước bằng sức sáng tạo, sự năng động, niềm đam mê và lòng nhân hậu…Với sự chỉ đạo sáng tạo gắn với công cuộc vận động “Xây dựng gia đình năm không, ba sạch” và tuyên truyền vận động phụ nữ học tập, rèn luyện bốn phẩm chất “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu - Đảm đang” đã có những tấm gương điển hình như: Chị Đào Thị Huyền – Lao động sáng tạo “Vì môi trường xanh sạch đẹp”; Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh – Chi hội trưởng phụ nữ năng động sáng tạo; Chị Lý Thị Hoa – Người phụ nữ dân tộc Hoa vượt khó làm giàu; Cô giáo Bùi Thị Nhung – Vượt sóng mang chữ ra Trường sa; … để hiểu rõ hơn ý chí tự lực tự cường, thông minh, sáng tạo, vượt khó vươn lên làm chủ bản thân, gia đình và xã hội của những “bông hoa đất việt”, mời quý bạn đọc tìm hiểu thêm trong phần ba và phần bốn của cuốn sách.
Những bông “Hoa đất việt” đã làm rạng rỡ mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta. Những phẩm chất, tinh thần, cốt cách của họ đã góp phần tạo nên truyền thống tốt đep xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chi Minh đã giành tặng: Anh hung, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang. Cuốn sách như một lời tri ân sâu sắc đến các mẹ, các chị đã và đang cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ đến với quý bạn đọc như là một món quà trong những ngày kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trương Thủy