Tự bao đời nay, hiền tài luôn là nguyên khí của đất nước. Dù cho yếu tố tài năng thiên bẩm có một ý nghĩa quan trọng, nhưng con đường duy nhất mà bất cứ ai muốn trở thành người tài cũng phải trải qua là học tập và không ngừng tự học. Tự học là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân. Chính vì vậy hiếu học và ham đọc sách được coi là một truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta, truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần hình thành trí tuệ, tâm hồn và nhân cách phong thái của con người Việt Nam. Giở lại lịch sử, các nhà hoạt động chính trị, và các học giả Việt Nam lỗi lạc đều là những con người rất quan tâm đến việc đọc sách và tự học.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã từng căn dặn: bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc… Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho đời sau tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, trí tuệ, tài năng, nhân cách và lối sống mà còn để lại một tấm gương mẫu mực về tự học và không ngừng tự học.
Như chúng ta đã biết trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ không ngừng phát triển, nâng cao khả năng tự học và đẩy mạnh việc đọc sẽ làm cho người dân, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện để phát triển trí tuệ, hình thành nên những con người có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức, nâng cao kỹ năng làm việc để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Và hơn nữa, hiện nay chúngta đang nỗ lực xây dựng xã hội học tập, vậy để làm được điều đó, đòi hỏi mọi người cần có nhận thức đúng và thực hiện việc tự học, học suốt đời theo chỉ dẫn của Bác Hồ.
Thấm nhuần những quan điểm tư tưởng của Người cùng với tấm lòng yêu sách và tâm huyết nhiều năm trong nghề, tiến sĩ Vũ Dương Thuý Ngà, hiện là Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã dày công nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách“Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”. Tác phẩm là những nghiên cứu, tìm hiểu về tinh thần ham đọc sách và không ngừng tự học của Bác Hồ cũng như một số nhà cách mạng, nhà khoa học lỗi lạc như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Trần Ðại Nghĩa, giáo sư Lương Ðịnh Của, giáo sư Ðào Duy Anh, bác sĩ Tôn Thất Tùng và nhà toán học Hoàng Tuỵ.
“Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” được xuất bản năm 2017do NXB Thông Tin Và Truyền Thông phát hành nhân dịp cả nước chào mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh nhật Bác Hồ và sự kiện “ Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 15 tháng 3 năm 2017.Với khổ 14,5 X 20.5 cm sách được in trên nền bìa màu xanh nhạt đã thu hút người đọc ngày từ những trang đầu khi tác phẩm viết về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc VIệt Nam trong việc tự học và không ngừng tự học nhằm góp phần xấy dựng đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.
Cuốn sách được chia làm hai phần. Phần một trình bày những nội dung liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo và đọc sách báo như: quan điểm của Người về vai trò, tác dụng của sách báo, về việc tự học; những thông tin bổ ích, quý giá về các phương pháp đọc sách báo của Bác, cách Bác tự học viết báo, tự học ngoại ngữ, cách Bác sử dụng sức mạnh của báo chí trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách báo...Với việc thông qua câu chuyện về việc đọc sách và tự học của Bác, tác giả Vũ Dương Thúy Ngà đã khẳng định vai trò của việc tự học, tự đọc sách báo đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.Ðối với Bác Hồ: sách báo chính là phương tiện giúp người đọc mở rộng tầm hiểu biết, nhằm nâng cao trình độ và có được những thông tin cần thiết để giải quyết công việc. Người đã từng khẳng định: “Sách là thuốc bổ tinh thần” và là “thuốc chữa tội ngu”. Bác cũng cho rằng, đọc sách báo nhiều khi là một sự nghỉ ngơi, thư giãn tích cực. Bác từng phê phán rất thẳng thắn những cán bộ không chịu dành thời gian đọc sách, đọc báo. Trong bài “Cần phải xem báo Ðảng”, Bác phê phán: “Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Ðảng. Ðó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc có bận thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo”. Và đối với Bác, cốt lõi của việc đọc sách báo là đem ứng dụng vào thực tiễn. Bác có một câu nói rất nổi tiếng: “Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Và theo Bác: “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”. Có thể thấy rằng, tìm hiểu và hệ thống lại những quan điểm chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sách báo, chúng ta một lần nữa có dịp chiêm nghiệm và vững tin vào giá trị trường tồn của sách báo qua mọi thời đại.
Sang phần hai của cuốn sách, tác giả đã khắc hoạ cụ thể cuộc đời và sự nghiệp của những nhà cách mạng, nhà khoa học tiền bối tiêu biểu của Việt Nam. Mà cụ thể là viết về 8 nhân vật lỗi lạc gồm: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, nhà sử học Đào Duy Anh, bác sĩ Tôn Thất Tùng và giáo sư Hoàng Tụy. Đây là những nhà hoạt động cách mạng, các trí thức tiêu biểu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các công trình nghiên cứu khoa học.Trong phần này, tác giả đã tìm hiểu và hệ thống hóa các tư liệu, giới thiệu phương pháp đọc và tự học của các danh nhân nói trên nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng quan và áp dụng phù hợp với công việc, lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Có thể nói qua gần 250 trang viết, tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý, phác hoạ nên chân dung của những con người xuất chúng trong thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với việc học suốt đời. Cùng với sự ra đời của tác phẩm , tác giả Vũ Dương Thúy Ngà cũng mong muốn nhiều người cùng chung tay “khơi nguồn và hun đúc thêm truyền thống hiếu học, ham đọc sách và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam gắn với sự phát triển trường tồn của dân tộc và đất nước”.
Từ khi ra đời cuốn sách đã được công chúng bạn đọc nồng nhiệt đón nhận, tác phẩm dần trở nên thân thiết với các bạn đọc ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là các cháu thiếu nhi. Trong cuộc thi viết về Cuốn sách em yêu tại tỉnh Đồng Tháp, giải Nhất đã thuộc về em Nguyễn Võ Xuân Minh học sinh trường Nguyễn Quang Diệu khi bạn nhỏ này đã có những chia sẻ, những cảm nhận rất chân thực mà ấn tượng về ý nghĩa giáo dục của cuốn sách này. Điều đó cho thấy “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” không chỉ mang giá trị lịch sử, giá trị tư liệu mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích giúp cho độc giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên muốn trau dồi phát triển phương pháp đọc và tự học.
Hướng tới Ngày Sách Việt Nam 21/4, chào mừng ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, Thư viện tỉnh Hà Nam xin gửi tới quý bạn đọc tác phẩm ““Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà. Đây được coi là món quà quý để các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo có thể thông qua đó hướng dẫn, giúp thế hệ trẻ hình thành sự yêu thích và gắn bó lâu dài với việc đọc, khích lệ niềm say mê tự học suốt đời, góp phần phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu tác phẩm tới quý bạn đọc xa gần.!
Tuyết Mai - Chu Lương