“ Có một nghề bụi phấn bám vào tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời những đoá hoa thơm"
Đó là nghề giáo viên cao quý, một nghề đã ban tặng cho các thế hệ học sinh những người thầy, người cô đáng trân trọng. Nếu cha mẹ là người đã sinh ra ta, đưa ta đến với cuộc đời này thì thầy cô chính là người cha, người mẹ thứ hai đã dạy cho ta kiến thức, truyền đạt cho ta biết bao điều hay lẽ phải về kĩ năng sống, giúp ta nên người. Có mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Có mấy ai trưởng thành mà không phải trải qua những ngày tháng học sinh, ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy cô giảng bài. Thầy cô - những người lái đò tận tụy hết lòng với nghề, với mỗi lứa học sinh của mình. Thầy cô giống như những cây chỉ nam, những ngọn hải đăng giúp ta định vị, tìm thấy hướng khi đi lầm đường, lạc lối. Thầy cô giống như ngọn lửa ấm áp, dìu dắt học sinh trước những vấp ngã của cuộc đời. Ngày 20/11 đang đến gần, xin được kính chúc các thầy cô - những người lái đò tận tụy sức khỏe dồi dào, công tác tốt,… để dẫn đưa những lứa học sinh của mình qua sông.
Nguyễn Ngọc Ký là nhà giáo ưu tú từng được cả nước biết đến trong suốt 50 năm qua và xem như là tấm gương sáng. Nếu bạn đã từng đọc cuốn tự truyện “Tôi đi học” của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký hẳn đều đã thấy chạm đến trái tim của mình. Nếu tâm hồn bạn từng rung động và mở ra những khung trời mơ ước về một con đường sáng ngay trước mắt với những trang văn nặng tình nặng nghĩa “Tôi đi học” của thầy thì hôm nay bạn sẽ tiếp tục cuộc hành trình trở ngược về quá khứ cách đây 45 năm gần nửa thế kỷ thầy Ký kể lại chuyện mình. “Tôi học đại học” là câu chuyện khiến bạn không thể lạnh nhạt để rồi bỗng nhận ra tất cả khó khăn thử thách với bản thân trở nên vô cùng bé nhỏ.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Thầy bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi sau một cơn bạo bệnh, 7 tuổi đi học và dùng đôi chân để viết. Hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội, khoa ngữ văn, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992 và là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.
Suốt cuộc đời, thầy đã kiên cường vượt lên nghịch cảnh, bệnh tật, cống hiến những thành quả đáng ngưỡng mộ. Đã xuất bản hơn 30 đầu sách, Sáng tác 1500 câu thơ đố và in thành 16 tập, giao lưu nói chuyện tại 25 tỉnh với khoảng 1,4 triệu lượt người nghe. Tham gia tư vấn tâm lý qua 5000 cuộc điện đàm cho 5000 lượt người. Gải A cấp tỉnh Hà Nam Ninh và giải C toàn quốc về sáng tạo đồ dùng dạy học, Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam...
Tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quê Hải Hậu, Nam Định làm thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà”
“Tôi học đại học” được ấp ủ hình thành từ những năm tháng như thế. Cuốn sách được thầy viết trong suốt 43 năm và hoàn thành trong khoảng thời gian sức khỏe thầy không được tốt, phải chạy thận 3 lần 1 tuần. Song với nghị lực và sự cố gắng phi thường, thầy đã hoàn thành cuốn sách. Thầy cùng dịch giả Bích Lan đã có buổi giao lưu vô cùng xúc động với hơn 300 cán bộ thư viện của 64 tỉnh thành do Bộ VHTTDL cùng First News tổ chức tại Đà Nẵng.
Cuốn sách đầu tiên thầy Nguyễn Ngọc Ký đã tặng bằng chân cho Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái. Các tác phẩm của thầy luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và giáo dục sâu sắc. Song cách thể hiện lại rất giản dị, hồn nhiên, dí dỏm, tinh tế, giàu hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc.
“Tôi học đại học” gồm hai phần với 38 câu chuyện thật gần gũi và cảm động. Qua tác phẩm của Nguyễn Ngọc Ký, chúng ta gặp lại những chàng trai, cô gái vùng quê nghèo khó nhưng hiếu học. Như một món quà tinh thần quý giá, Nguyễn Ngọc Ký đã dành những trang viết chân thành, trân trọng nhất để tri ân các thầy cô, cha mẹ, bạn bè, cả người và đất đã nâng bước anh. Đó là thầy Châu, thầy Chủ, thầy Trừu ..(thời học cấp ba).
Ấn tượng nhất là những trang viết về bạn bè của anh như Vũ Như Cách, Nghiệp Đen, Lê Quang Trang, Trần Bảo Hưng, Lê Thành Nghị, Lê Huy Hòa...Đó còn là Côn (Thái Bình), Hoàn (Phú Thọ), Lân (Quảng Bình), Đãng (Nam Định).... Cứ như thế, nếu không có họ thì anh không bao giờ trở thành Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký của ngày hôm nay. Nếu không có những thầy, người bạn và cả những người dân của vùng quê Hải Hậu, Tràng Dương, La Khê ấy thì một người có hoàn cảnh đặc biệt như Nguyễn Ngọc Ký không thể thực hiện được ước mơ, trở thành thầy giáo, trở thành nhà văn viết về mình, về cuộc đời nghiệt ngã nhưng “ấm áp giữa bơ vơ” này.
Trong “Tôi đi học đại học”, Nguyễn Ngọc Ký không chỉ nhớ những người cưu mang mình mà còn nhớ rất lâu, rất sâu những kỷ niệm về những vùng đất với những con người yêu thương, giúp đỡ anh như những người ruột thịt. Kỷ niệm về chiếc chăn bông, cây đèn tự chế, đôi tất lạ, đến bữa cháo sắn, cây cầu ông Kiểm, chiếc cửa sổ mới, chiếc bàn học của hai ông bụt... đã được Nguyễn Ngọc Ký kể lại với tình cảm trân trọng, tri ân.
Đọc “Tôi học đại học” bạn sẽ thấy Nguyễn Ngọc Ký như đang tâm sự, mọi sự việc cứ hiện ra trước mắt. Bạn hẳn sẽ rất xúc động trước những nghĩa cử chân tình của Nhu, của Hằng, của Hòa, của Trang, của chị Vân...thật giản dị mà vô cùng lớn lao, ý nghĩa. Và cứ như thế, Nguyễn Ngọc Ký đã lớn lên bằng sự bao dung tình người không dễ gì có được. Để giờ đây anh đã thành đạt, là tấm gương vượt khó cho những người kém may mắn, cho lớp trẻ noi theo.
Mỗi câu chuyện là một kỷ niệm đẹp về tình đất, tình người, mỗi bài học quý về đạo lý, nhân tình, về ý chí vượt qua nghịch cảnh. Càng đọc bạn sẽ càng bị cuốn hút vào những câu chuyện về những người thầy - những nhân cách lớn. Những câu chuyện nói lên tình thầy trò thiêng liêng sâu nặng, thấm đẫm chất nhân văn hiện hữu với tất cả niềm tự hào về một thời kỳ có một không hai trong lịch sử phát triển giáo dục đại học ở nước ta. Một thời kỳ đã xa nhưng đã khắc sâu vào lịch sử bởi trong muôn vàn khó khăn gian khổ, thiếu thốn nhưng cả thầy và trò vẫn khắc phục vươn lên “dạy tốt, học tốt” như thầy Diêp Tư, thầy Bùi Ngọc Trác, giáo sư Ngụy Như Kôn Tum, Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị... thật giản dị mà vô cùng lớn lao, ý nghĩa, là những bài học quý để những người thầy hôm nay tiếp bước noi theo.
Càng đọc càng thấy thương, thấy quý, thấy phục, đôi bàn chân kỳ diệu đã làm việc thay đôi bàn tay khuyết tật của mình. Chàng trai thông minh tràn đầy nghị lực ấy đã luôn nỗ lực ý chí vươn lên vượt qua hoàn cảnh, vượt lên số phận, vươn lên đỉnh cao trí tuệ mà mình khao khát. Điều đáng nói là ở anh luôn có một trái tim nhân hậu, trong sáng. “Tôi học đại học” thực sự trở thành bài học cho nhiều người, sẽ truyền hơi ấm, tiếp sức cho mọi trái tim cô đơn, bất hạnh và còn chần trừ trong những bước đi đầu đời.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức, Nguyễn Ngọc Ký mãi mãi vẫn là tấm gương sáng như cố Thủ tưởng Phạm Văn Đồng đã khảng định: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, một tấm gương sáng cho bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật”. Thầy đã cho ta thấy được sức mạnh, sự vô giá của tình người ấm áp luôn là đôi cánh nâng đỡ mỗi con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Tình cảm gia đình, Tình thầy trò, tình bạn bè, tình cảm của nhân dân ...Tất cả đã hòa quyện và nâng đỡ nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn, gian khổ. Qua cuốn sách, ta không chỉ cảm phục sự phi thường của ý chí mà còn rút ra được bài học từ sự lạc quan của thầy :”Thay vì ngồi than khóc bóng đêm xin bạn hãy thắp sáng thêm những ngọn nến”.
Hồng Anh