Chương trình Cùng bạn đọc sách: Giới thiệu cuốn sách "Mùa thơ ấu"

Cập nhật: 23/11/2020 09:58

   Nào, chúng ta cùng trở về kí ức tuổi thơ trong vắt với “Mùa ấu thơ”.

          Chương trình Cùng bạn đọc sách của Thư viện tỉnh Hà Nam xin giới thiệu với các bạn nhỏ cuốn sách “Mùa ấu thơ” của tác giả Thái Hương Liên. Cuốn sách chỉ vỏn vẹn 132 trang với 29 tạp bút nhỏ xinh nhưng đong đầy những câu chuyện ký ức của tác giả được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2015.

          “Mùa ấu thơ” đưa ta đến với vẻ đẹp nguyên sơ của vùng quê xứ Đoài mây trắng qua cảm nhận của một cô bé có tâm hồn quá ư nhạy cảm, của một người phụ nữ chất phác, thuần hậu và hoài cổ.

          Với động thái viết đầy ngây thơ trong trẻo, dễ thương, tác giả Thái Hương Liên dẫn dắt bạn đọc, nhất là những bạn đọc thiếu niên ở thành thị, có khi chưa một lần trở về nhà quê, nơi sinh ra tổ tiên, cụ kị, ông bà bố mẹ mình, cứ thư thả mà nương theo những tạp văn của chị, mà thấy thương yêu, quyến luyến khung cảnh làng quê yêu dấu, đong đầy kỷ niệm của một thời thơ dại, với một mùa ấu thơ.

          Trong cuộc đời thực, tác giả là một nông dân thứ thiệt vùng châu thổ Bắc Bộ, đã đủ từng trải để biết rằng tuổi thơ là cái gì đó mà nó một đi không thể trở lại. Với năng khiếu văn chương, lại quá nặng lòng với tuổi thơ không trở lại, tác giả đã bắc một cây cầu văn chương giản dị bằng 29 tạp bút nhỏ xinh để trước hết là đưa chính mình về cái miền thơ ấu thần tiên ấy. Nơi ấy, tác giả từng là một cô bé nông dân chất phác, cô bé của ngày xa xưa ấy dường như vẫn sống nguyên vẹn trong tâm hồn phụ nữ trong trẻo ở làng hôm nay, dù biết bao vật đổi sao dời, vẫn hoài nhớ kỷ niệm làng quê trong “Mùa ấu thơ” của cuộc đời mình.

          Cuốn sách như một thước phim quay chậm, tác giả đưa ta về với “Hội làng” mùa xuân - mùa Tết, mùa bắt đầu của một năm mới, khởi đầu cho dòng thời gian làng quê vốn tuần tự theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp, trôi theo nhịp hải hà của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Tháng Giêng, khi mưa phùn rắc lên vạn vật làn sương mờ ảo và cây cối đâm chồi nảy lộc là lúc hội làng bắt đầu khai cuộc. Quanh năm vất vả hai sương một nắng, mùa xuân đến, người nông dân cho mình quyền được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí bằng cách hát lên câu ca dao quen thuộc: “Tháng giêng là tháng ăn chơi...”.

 Và trong cái ngôi làng thơ bé ấy, có lẽ cô bé nông dân chất phác ấy biết chắc: trẻ con thích nhất là mùa Tết, mùa của áo quần xúng xính mẹ đi chợ sắm cho, mùa của bánh chưng ninh nấu suốt đêm bằng củi gốc tre gộc. Rồi cô bé được theo mẹ đi chợ Tết mua đủ thứ cho bếp Tết, nào gạo nếp, măng miến, thịt gà thịt lợn, mộc nhĩ nấm hương, rau tươi quả tốt... để mẹ và bà ngoại cùng nhau làm cỗ Tết. Cặp mắt trẻ thơ của tác giả thấy “Tết từ trong bếp Tết ra” bởi “gian bếp là nơi ấp ủ lửa sống cho cả gia đình lớn”, với “bếp lửa nồng nàn đượm khói và ổ rơm thơm ấp ủ giấc mơ thơ bé”. Và tác giả nhận xét tinh tế về cái cầu ao ngày Tết: “Ra đến đó là biết nhà ai sắm Tết đến đâu, chuẩn bị Tết thế nào” và biết mặt ao ở trước cửa đình chỉ chuyên dùng cho nghệ thuật múa rối nước dựng nhà thủy đình, diễn trò rối cổ truyền cho trẻ em ngồi quây quần quanh bờ ao xem con rối ẩn hiện trên làn nước ao lung linh màu sắc. Cuốn tạp văn nhỏ xinh này về cái cầu ao ngày Tết, người viết đã không nén được tiếng thở dài, những mặt ao Tết thân thương ấy đã bị mất dần và bị lùi xa vào kí ức...

          Theo nỗi nhớ trong “Mùa ấu thơ” người đọc cũng không ngớt nhớ thương những người thân thiết của tác giả như nhớ người ruột thịt của mình. Nhớ ông bà nội ngoài, nhớ cha mẹ...những nỗi nhớ ấy tác giả cảm động đưa vào tản văn “Bộ sưu tập nỗi nhớ”. Nhớ răng đen bà ngoại nhưng nhức hạt na “đẹp như mùa thu tỏa nắng”, nhớ gánh hàng trầu cau, nhớ dáng bà tảo tần lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu.Vào lúc nắng lên rực rỡ ngoài sân nhà, bà lúc nào cũng “tiếc nắng” mà ra sức bổ cau, phơi cau, phơi thóc, phơi sắn, phơi ảnh cũ, phơi áo quần... Cả đời bà tiếc nắng, lây truyền nỗi nhớ này sang cháu ngoại, đến bây giờ vẫn còn tiếc nắng đến ngẩn ngơ. Rồi cứ nhớ tiếc mãi gánh trầu cau bà đi chợ để ngậm ngùi tự hỏi lòng mình ở cuối “Gánh cũ” “Gánh cũ còn đây, những ngày ấy đã đâu rồi”.

          Những câu hỏi xoáy vào lòng người viết ấy, lại cứ giăng mờ như mưa xuân ẩn hiện, lất phất bay mịt mù trong các tản văn, mà chỉ cần đọc đầu đề thôi, đã thấy giăng mắc vào tâm tư người đọc. Nào là cảnh đi chùa theo ông bà lễ bái khói hương ngày đầu xuân, ra đình xem Hội Tết; nào là cảnh nhìn hoa gạo rơi rụng đỏ chói đầu làng, hoa bưởi trắng thơm nồng nàn trong vườn bà ngoại; cảnh hoa xoan tím rụng bời bời đầu ngõ làng, rồi những cánh hoa sen tàn trong cánh đồng làng rộng mênh mông của “Những mùa sen đã qua”, rồi những “Chiều xưa hoa tím” của loài hoa xấu hổ... Và bao trùm lên toàn cảnh làng quê là màu vàng no ấm của những cánh đồng lúa chín trong “Ngày mùa vui thôn trang”. Hân hoan trong cái màu vàng no ấm bất tận trải dài đến tận chân trời, người nông dân quê tôi chẳng hề biết đến mệt mỏi. Cuộc sống của họ gắn với cánh đồng, gắn bó với những niềm vui nỗi buồn trên những tràn ruộng lúa. Bàn chân thô ráp của họ vẫn luôn bước lên phía trước đón chờ những mùa mới với những vui buồn và nỗi niềm trăn trở. Bước tới để ấp ủ hy vọng và đón chờ tương lai. Người lớn vừa mệt nhọc, lưng đẫm mồ hôi, vừa hân hoan gặt lúa chín vàng; trẻ con theo chân đi mót lúa rơi, bắt cua bắt ốc, sống thơ thới, tinh nghịch trên lưng trâu, mùa đông mang theo con cúi rơm đốt lửa nướng cá, nướng ốc, nướng tôm, nướng cua,... mở tiệc giữa cánh đồng làng.

          Ta cùng tác giả nhớ khói lam chiều trên cánh đồng mùa đông giá rét với trẻ trâu, với người mẹ tần tảo cơm nước cho chồng con và lan man nhớ lũy tre làng. Và không thể không thương nhớ đồng quê, nhớ mùi rơm rạ - một thứ mùi không bao giờ là xưa cũ với người Việt hôm nay, vẫn ngày ngày ăn cơm, vẫn coi “cơm tẻ là mẹ ruột” với bữa ăn truyền thống cơm - rau - cá vẫn được người Việt coi là cách ăn lành mạnh nhất trong thời hiện đại.

          Thế là ta đã cùng người viết trở về với hương vị căn cơ nhất của nỗi nhớ đồng quê, nỗi nhớ đã xuyên thấm vào tác giả từ thuở còn thơ dại với “Mùi vị của rạ rơm”, “Tôi trở về với kí ức tuổi thơ bằng cái mùi thơm nồng nàn, ngai ngái của những cọng rơm vàng ngập tràn trên con đường đồng đầy nắng và gió. Những cọng rơm đã gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu, tôi yêu nó, yêu mùi hương xao xuyến chỉ trở về bên tôi khi mùa gặt đến. Mùi hương xiết bao dấu yêu, thân thuộc. Chiều nay, bỏ lại tất cả những bộn bề thường nhật, tôi chỉ đắm chìm trong mùi hương ấy cùng sắc vàng rộm của cánh đồng lúa chín. Thoáng trong gió chiều, mùi rơm nồng nàn thân thuộc thật êm đềm dễ chịu. Bình yên, thanh thản đến lạ lùng...”.

          Tôi một độc giả, khi gấp sách lại cũng muốn được như tác giả, chìm trong hương thơm rơm rạ làng quê, “chạm vào một miền nhớ đã chìm khuất thật sâu” trong tâm hồn tác giả từ những ngày thơ bé, để được đắm chìm trong thú vui đọc sách này: “Bình yên, thanh thản đến lạ lùng”.

          Qua đây, tác giả cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn nhỏ thế hệ trẻ của tương lai hãy trân trọng những phút giây của ngày hôm nay; sống thật vui vẻ, vô tư, trong sáng một cách bình dị, để rồi sau này khi ta nhìn lại quá khứ mới thấy tuổi ấu thơ thật sự đáng yêu biết bao. Là hành trang không thể thiếu mà ta sẽ mang theo trong suốt cuộc đời, là điểm tựa tinh thần cho những thăng trầm của đời người.

Vũ Hiệp

Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào
Scroll

© Bản quyền thuộc Thư viện tỉnh Hà Nam

Địa chỉ: Đường Trần Phú - Phường Quang Trung - TP.Phủ Lý - Tỉnh Hà Nam

Điện thoại: 0226.3851511 - Fax: 0226.3851511 - Email: [email protected]

Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Hà Nam" khi sử dụng lại nội dung trên trang thông tin

Đang Online:
2.608

Đã truy cập:
75.713.731
English