Giới thiệu cuốn sách: "Chuyện kể Bác Hồ với nhà giáo"
Cập nhật: 14/11/2022 09:54
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, những mong mỏi của Bác đối với đội ngũ giáo viên, học sinh của cả nước. Mỗi lời Bác để lại đều trở thành động lực to lớn để lớp giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục. Trong tư tưởng của Người luôn có những trăn trở và kỳ vọng lớn lao là phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái”.
Nhằm thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; mong muốn phổ biến thật rộng rãi đến đông đảo bạn đọc về tấm gương của Bác, về con người của Bác, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII) Thư viện tỉnh Hà Nam xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách : “ Chuyên kể Bác Hồ với nhà giáo”
Cuốn sách “Chuyện kể Bác Hồ với nhà giáo” tập hợp những bài viết, bài nói, thư của Bác Hồ với nhà giáo.. do tác giả Phan Tuyết sưu tầm và tuyển chọn sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về vấn đề này. Sách do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành năm 2018, dày 218 trang, khổ 19cm, gồm hai phần:
Phần 1: Một số bài nói, bài viết, thư của Bác Hồ với nhà giáo.
Phần 2: Những chuyện kể về Bác Hồ với nhà giáo
Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện kể, những bài nói, bài viết, thư...chứa đựng nhiều tình cảm lớn lao của Bác dành cho đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục, cuốn sách đem đến cho bạn đọc nhiều bài viết, bài nói, thư của Bác Hồ về sự nghiệp giáo dục.
Bác luôn xem vấn đề giáo dục là vấn đề vô cùng quan trọng bởi lẽ Bác hiểu rằng một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Từng câu chuyện trong cuốn sách là từng bài viết tập hợp đầy đủ tư tưởng của Bác về những phẩm chất người thầy và sự nghiệp giáo dục của dân tộc từ khi đất nước ta phải đương đầu với khó khăn đói khát. Để phát triển nền giáo dục nước nhà Người luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.... nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ngày 20 tháng 5 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay viết vào đầu cuốn sách: “ Phương pháp và cách thức dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ, do Nha Bình dân học vụ xuất bản năm 1946”. Bác viết: “ Anh chị em giáo viên bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình với Tổ quốc”. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Ngày 19 tháng 2 năm 1959 tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc Bác nhấn mạnh công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc: “Một cháu thiếu niên bây giờ 10 tuổi thì 7 năm sau sẽ 17 tuổi. Ở Liên Xô có kế hoạch 7 năm. Sau kế hoạch 7 năm, thì thiếu niên nhi đồng ở Liên Xô sẽ thành người trực tiếp xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy lúc đó các cháu cần phải có tư cách, đạo đức của người xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Cho nên công tác của các cô, các chú rất nặng nề và vẻ vang”.
Tháng 8 năm 1963, ngành Giáo dục phổ thông và Sư phạm tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua “ Dạy tốt, học tốt”. Phong trào học sinh, thiếu niên làm “ ngàn việc tốt”. Có được thành tích trên là công dạy dỗ của thầy, cô giáo, với sự chăm sóc quan tâm của gia đình, của xã hội, cộng với sự cố gắng của các em. Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết, Bác yêu cầu các thầy, cô giáo: “ Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, thật thà dũng cảm, sẵn sàng thi đua lao động và bảo vệ Tổ quốc”. Đã hơn 40 năm qua, nhưng những lời yêu cầu của Bác đối với các thầy, cô giáo đến nay vẫn còn là thời sự. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.
Minh Phương