Tuổi trẻ chúng ta, chắc hẳn ai cũng từng gắn liền với hoa bằng lăng tím, những chiếc ghế đá sân trường và những chùm phượng đỏ. Nơi đó gắn liền biết bao kỷ niệm, có những mối tình thơ dại tuổi mới lớn, có những lời yêu còn bỏ ngỏ, có những tình bạn thuần khiết không hề toan tính…để rồi khi kết thúc thời học sinh, chia tay ngôi trường và thầy cô, bạn bè, chia tay những gốc phượng già, hàng ghế đá. Những kỷ niệm đó được chúng ta gói ghém và mang theo suốt cuộc hành trình dài, đôi lúc bất chợt nhớ lại, bỗng vô thức mỉm cười vì dù cuộc sống có đổi thay thì những ký ức về tuổi học trò vẫn vẹn nguyên như cũ.
Thanh xuân, mấy ai không mơ hồ, không đôi lần lạc đường để đến khi nhìn lại thì năm tháng ấy cũng trôi qua mất rồi. Không ai có thể nắm giữ nguyên vẹn tất cả khoảng khắc, cảm xúc trong sáng của tuổi mới lớn, thủa còn cắp sách tới trường chất chứa cả bầu trời kỉ niệm.
Cuốn sách “Ký ức học trò” được nhà xuất bản Văn hoá thông tin xuất bản và phát hành năm 2014, sách dày 200 trang, với một chuỗi các câu chuyện ngắn khác nhau, mỗi chuyện là một mảnh ký ức, một kỉ niệm, một lời tâm sự vui có buồn có của một thời cắp sách đến trường. Ký ức học trò giống như một cỗ máy thời gian đang quay ngược, sách đã cho người đọc được sống lại những năm tháng vô tư, hồn nhiên, đẹp và tinh khiết nhất của cuộc đời.
Thời gian trôi đi như phủ một lớp bụi mờ lên kí ức. Ai rồi cũng phải lớn, phải thay đổi, phải tự hoàn thiện mình trên hành trình dài phía trước nhưng chỉ có ký ức là không bao giờ thay đổi. Sẽ có đôi lần chúng ta hoài niệm về quá khứ, về mái trường đầy phượng vĩ rực lửa của mùa hạ năm nào. Nỗi nhớ ấy nhẹ nhàng nhưng chòng chành lại da diết đến nặng lòng thương mến. Tất cả đã được tác giả khéo léo lồng ghép vào những mẩu chuyện ngắn như: Ngày chúng mình tốt nghiệp; bụi phấn; ngôi trường chấp cánh ước mơ; bằng lăng thương nhớ; thầy giáo tôi; ngày con thi đại học; Cô giáo của cuộc đời con; hoa trạng nguyên; trường xưa yêu dấu…Đọc sách, như mở ra trước mắt một khung trời đầy nắng và gió của quãng đời tươi đẹp, trong sáng thời đi học, khiến ta thêm trân trọng những năm tháng đầy ý nghĩa đó.
“Ký ức học trò” như một nét vẽ đa sắc màu, nó nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tinh tế giúp cho người đọc cảm nhận được trọn vẹn dư vị ngọt ngào, những dấu ấn và kỉ niệm khó phai mờ của một thuở “áo trắng sân trường”.
Tác giả đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa vào từng trang giấy. Người đọc sẽ không khỏi bâng khuâng , xúc động khi đọc những dòng tâm sự trong câu chuyện “ngôi trường chắp cánh ước”: “Trở về thăm trường trong một ngày đầu tháng tám, trong tôi vẫn một cảm giác thân quen tự thủa nào. Một không gian tĩnh lặng, yên bình dưới bóng cây cổ thụ. Góc sân trường này là nơi chúng tôi ngồi trong giờ chào cờ đầu tuần. Góc sân trường kia chính là nơi chúng tôi đã học quân sự. Đây là hàng cây vẫn thường thấy trong những tấm ảnh lưu niệm của chúng tôi. Đây là căn phòng học đơn sơ, giản dị của lớp 12A2…mỗi góc sân, mỗi hàng cây, mỗi căn phòng đều gợi nhớ lại những tháng ngày ăm ắp kỉ niệm…”
Từng trang sách như gợi lại khoảng trời thanh xuân tươi đẹp của năm tháng học trò mà trong đó có sự ngô nghê, hồn nhiên, trong sáng, nghịch ngợm. “Ký ức học trò” giống như một bản nhạc êm ả, thanh thoát lúc trầm lúc bổng đưa người đọc đi qua từng đợt cảm xúc. Có một nỗi nhớ lạ lùng đến khó tả, nó bình dị nhưng sâu sắc, nó nhẹ nhàng gợn sóng nhưng đôi lúc lại cồn cào da diết đó là nỗi nhớ bạn bè, nhớ thầy cô. Khi trưởng thành chúng ta mới thấu, mới trân quý những phút giây mặn nồng tuổi trẻ nơi mái trường thủa ấy. Vẫn biết bữa tiệc nào cũng có kết thúc, gặp gỡ nào cũng phải chia xa nhưng ngần ấy ký ức thì sẽ mãi ở lại nơi đây.
“Nếu mai này mỗi đứa đi một ngả
Nhớ quay về ký ức ngày hôm nay
Lời hẹn thề hoa cỏ mặn mà say
Hãy lưu giữ ở trong lòng đấy nhé”.
Thanh xuân vườn trường, nơi ấy chất chứa bao kỉ niệm, nơi chất chứa ánh nhìn tha thiết, tiếng cười giòn tan trong nắng nhưng có lúc là những giọt nước mắt hoen màu thay cho câu tạm biệt lũ bạn cùng lớp. Mặc dù chỉ là những lời nói, lời động viên mà mỗi buổi học ta vẫn được nghe từ thầy cô giáo. Nhưng sao hôm nay, vẫn những lời nói đó khiến ta nặng trĩu một nỗi buồn, một cơn sóng lòng dâng lên cuồn cuộn đến nghẹn ngào: “Tươi thắm, chói chang, cháy bỏng khao khát, ước mơ. Thầy còn bảo: trạng nguyên nở đẹp thế này đúng là điềm lành rồi! Lớp mình thi tốt nghiệp, thi đại học sẽ thành công lớn! Cả lớp đứng quanh hàng trạng nguyên thắm sắc, thấy lòng rưng rưng khó tả, cảm nhận được tình thầy bao la, cảm nhận được cả nỗi ngậm ngùi khi sắp phải xa trường, xa thầy, xa bạn”.
Ai đó đã từng nói: “Có những nỗi nhớ còn chưa kịp đặt tên bởi tình cảm học trò mong manh như cánh phượng, nhẹ tênh như hoa gió và nó mang màu đỏ rực chẳng dễ phai mờ theo năm tháng”. Đúng vậy, cuộc đời mỗi người giống như chuyến tàu tốc hành, cảnh vật dù đẹp đến mấy cũng phải rời xa, năm tháng học trò trôi qua, sẽ chỉ còn là những lưu bút, cánh phượng đỏ ép trên trang giấy, sẽ chỉ còn là những kí ức tươi đẹp luôn in dấu mãi trong lòng mỗi người.
Trang sách “Ký ức học trò” khép lại, kỷ niệm một thời hoa phượng cũng tạm thời được lưu giữ, nhưng tôi tin rằng kỷ niệm đó luôn sống và đi theo chúng ta đến suốt cuộc đời. Những lúc mỏi mệt vì những ghanh đua cuồng quay của thời gian, ta lại lật dở lại trang ký ức đó để được sống và cảm nhận năm tháng hồn nhiên cùng phấn trắng, bảng đen và ô cửa sổ nhìn ra khoảng trời đầy mộng mơ ấy. Tôi đã từng nghe ở đâu đó: “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy thêm một lần nữa.” Rồi ta sẽ về, về để tìm lại những cảm xúc trong veo của tuổi học trò, về để sống dậy những khoảng khắc đã từng bị nguội lạnh để rồi ta biết trân quý và yêu hơn giá trị của những kỷ niệm của một thời áo trắng.
Chu Lương