Giới thiệu cuốn sách: "Huyền thoại 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc - Những người con bất tử"

Cập nhật: 07/03/2022 16:20
Giới thiệu cuốn sách: "Huyền thoại 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc - Những người con bất tử"

Giới thiệu cuốn sách:

     Huyền thoại 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc - Những người con bất tử

 

Nhóm tác giả: Nguyễn Đức Cường, Phạm Lan Hương, Anh Minh (biên soạn) 

 

Trên đất nước Việt Nam có muôn nghìn ngã ba, nhưng có một Ngã ba đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt và hào hùng của dân tộc ta - Đó là “Ngã ba Đồng Lộc”, nơi đây là yết hầu giao thông trên con đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ kính yêu. Vì vậy, kẻ thù đã trút xuống đây hàng vạn tấn bom đạn, hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua dãy Trường Sơn. Nơi đây đã chứng kiến sự ngã xuống đầy anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong. Với mong muốn khắc họa lại những năm tháng hào hùng và tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh tại Ngã ba Đồng Lộc. Thư viện tỉnh Hà Nam trân trọng giới thiệu cuốn sách “Huyền thoại 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc - Những người con bất tử” do nhóm tác giả Đức Cường, Lan Hương... biên soạn. Cuốn sách dày 506 trang, được Nhà Xuất bản Lao động ấn hành, được chia làm 5 phần chính. 

Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2, đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc được coi là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên đế quốc Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này nhằm chặn chi viện của hậu phương ra tiền tuyến.

Những năm 1964 đến 1972, Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, quân địch đã trút xuống nơi đây (tập trung ở 1km2 xung quanh Ngã ba Đồng Lộc) gần 50.000 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương...

Theo số liệu thống kê, mỗi mét vuông đất ở Ngã ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Địch càng quyết phá nát con đường này, ta càng quyết giữ, bằng mọi giá không để cắt đứt tuyến đường chi viện cho miền Nam. Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Phục vụ chiến đấu ở chiến trường Đồng Lộc lúc đó có rất nhiều như bộ đội, công an, công nhân giao thông, dân quân, ngành y tế, bưu điện, lái xe, thông tin nhưng đông đảo nhất, hùng hậu nhất chính là lực lượng thanh niên xung phong.

Vào thời gian cao điểm nhất, số lượng người có mặt tại chiến trường Đồng Lộc lên tới 16.000 người. Những chiến sĩ thanh niên xung phong ngày ấy đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Họ sống bám cầu, bám đường, kiên cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trên tuyến đường này, máu của hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống ngã ba trận địa, viết nên những khúc tráng bất tử.

Ngày 24/7/1968, máy bay của đế quốc Mỹ kéo đến trinh sát và giội bom dữ dội. Mặt đường 15A đã nham nhở các hố bom. Nhận lệnh, đúng 12h trưa, 10 cô gái thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng chưa kịp ăn cơm, vội chia nhau nắm mỳ luộc, rồi cầm cuốc xẻng, í ới gọi nhau ra mặt đường san lấp hố bom. Dưới mặt đất các chị cứ đào, xúc... bằng bất cứ giá nào để tuyến đường 15A phải được thông suốt cho đoàn xe chi viện đặc biệt cho chiến trường miền Nam đi qua được an toàn trong đêm đó.

16h cùng ngày, đến lượt ném bom thứ 15, một tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom dữ dội, nhằm thẳng mục tiêu nơi các chị đang làm đường phía dưới. Mười cô gái không còn cách nào khác đã cùng nhau lánh tạm vào một căn hầm gần nhất bên đường, đợi cho máy bay đi qua sẽ ra làm tiếp cung đường còn lại.  Bỗng một loạt bom rơi, đánh sập hầm.

Trên đài quan sát, những người đồng đội của các chị nhìn xuống. Một phút, rồi 5 phút trôi qua vẫn không thấy một ai tiếp tục rũ đất đứng dậy làm đường nữa. Nơi các chị trú ẩn chỉ còn thấy mấy chiếc nón rách bươm, nằm chơ vơ trên mặt đường 15A. Trong làn khói bom mù mịt, đồng đội các chị chạy xuống, tìm kiếm và gọi tên từng người: Tần ơi...! Xuân ơi...! Cúc ơi...! Nhỏ ơi... ở mô rồi? Gọi mãi... gọi mãi... vẫn không nghe tiếng ai trả lời, cả trận địa lặng đi, mọi người òa khóc trong tiếng gầm rú của máy bay.

Mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Các chị có tuổi đời còn rất trẻ và đều sinh ra ở nhiều miền quê. Người nhỏ tuổi nhất là chị Võ Thị Hà (SN 1951, lúc hy sinh mới tròn 17 tuổi). Ba người chị lớn tuổi nhất tiểu đội là chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng; chị Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó và chị Nguyễn Thị Nhỏ, đội viên cùng sinh năm 1944 (lúc hy sinh là 24 tuổi). Suốt đêm hôm đó, rồi đến hai ngày hôm sau, thi thể của 9 chị đã được đồng đội lần lượt tìm thấy, chỉ riêng thi thể của chị Hồ Thị Cúc (Tiểu đội phó, quê xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn) chưa tìm được.

Suốt tuổi thanh xuân, các chị đã ở bên nhau, sống và chiến đấu cũng bên nhau, chính bởi vậy, các đồng đội kiên quyết phải tìm bằng được thi thể của chị Cúc để an táng 10 chị cùng một lần. Những bàn tay của đồng đội tứa máu, bới đất tìm kiếm chị Cúc trong đất đá. Lúc này, chiến sĩ Nguyễn Thanh Bính (nguyên là cán bộ kỹ thuật của ngành giao thông, mà sau này là nhà thơ Yến Thanh) đã đến bên di ảnh chị Cúc, viết lên một bài thơ để đọc trước vong linh người em gái.

“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang.

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp?

Chín bạn đã quây quần đủ mặt chỉ thiếu mình em.

 Chín bỏ làm mười răng được!...

Gọi em. Gào em. Khản cổ cả rồi. Cúc ơi!...”.

Sau khi những vần thơ của anh được cất lên, thi thể của chị Cúc đã được đồng đội tìm thấy trong căn hầm trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là chiếc cuốc. Mọi người bảo rằng chị đã cố gắng bới đất chui lên nhưng hầm sâu quá, đất lấp lên quá dầy. Lễ truy điệu diễn ra trong sự xót thương, nghẹn ngào, uất hận của những người đồng đội. Cuối cùng thì các chị cũng được quây quần bên nhau dưới lòng đất mẹ, khu mộ của các chị đặt dưới một ngọn đồi thoai thoải, cách tượng đài chiến thắng hiện nay khoảng 200 mét. Trên bầu trời, tiếng bom nổ, những đốm sáng vụt lóe lên rồi chợt tắt. Cuộc chiến này vẫn còn tàn khốc và ác liệt chờ các đồng đội của 10 chị tiếp tục tiến lên phía trước...

Đã 54 mùa xuân qua đi, những ngày này, chúng tôi tìm về Ngã ba Đồng Lộc, thắp nén hương thơm lên 10 ngôi mộ của các chị và nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi đây. Các con đường ở Đồng Lộc nay cũng đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông, không còn những hố bom xoáy thành từng vũng như xưa. Thế nhưng, từng chữ, từng chữ một trong bức thư chị Võ Thị Tần viết gửi mẹ vẫn như vừa mới hôm qua, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người khi đến đây, thắp nén nhang tưởng nhớ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc: “Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, chắc là mẹ lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”...                   

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn đó như khúc tráng ca hào hùng, bất tử. Mười cô gái nơi ấy là 10 bông hoa trinh liệt, đã cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ mãi mãi nằm lại với con đường 15A huyền thoại, để giữ cho mạch máu giao thông của chúng ta luôn được thông suốt, để miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Bắc, Nam sum họp trong bài ca chiến thắng.

Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chọn làm nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc. Mỗi năm có hàng vạn người đến đây tham quan, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Thư viện tỉnh Hà Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !

 

                                                                                                             Hà Hằng

Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào
Scroll

© Bản quyền thuộc Thư viện tỉnh Hà Nam

Địa chỉ: Đường Trần Phú - Phường Quang Trung - TP.Phủ Lý - Tỉnh Hà Nam

Điện thoại: 0226.3851511 - Fax: 0226.3851511 - Email: [email protected]

Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Hà Nam" khi sử dụng lại nội dung trên trang thông tin

Đang Online:
448

Đã truy cập:
79.349.860
English