Bạn đọc thân mến, có một câu nói đã để lại ấn tượng rất sâu sắc: “Ở chuyến bay cuối cùng, không một ai được mang theo hành lý – kể cả xách tay hay ký gửi – trừ lòng cao thượng”. Lối sống cao thượng là chuỗi giá trị lớn mà con người luôn hướng đến. Bởi lẽ, người có tâm hồn cao thượng luôn vượt hẳn lên những điều tầm thường về phẩm chất tinh thần. Thư viện Hà Nam xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Tâm hồn cao thượng” của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis – cuốn sách của những câu chuyện giản dị đầy tình người.
“Tâm hồn cao thượng” ra đời từ thế kỷ 19, là những câu chuyện nhỏ về cuộc đời được ghi lại vào lúc nhân loại chưa biết đến truyền hình, chưa có máy tính bảng hay điện thoại thông minh, thế nhưng, cuốn sách, vượt không gian và thời gian, vẫn đem lại một giá trị kỳ lạ cho người đọc. Nhà văn Edmondo De Amicis hẳn không thể biết rằng hơn trăm năm sau, trái tim người đọc vẫn đập dồn, vẫn xúc động vô ngần với những điều tưởng chừng giản đơn nhất về yêu thương, lòng trắc ẩn và nhân cách mà ông đã gửi gắm. Tác phẩm được chuyển dịch sang Việt ngữ lần đầu tiên vào năm 1948, với tựa đề “Tâm hồn cao thượng” bởi dịch giả Hà Mai Anh, trở nên quen thuộc với người người đọc đến mức trải qua nhiều phiên bản Việt ngữ, cái tên này vẫn được sử dụng lại. Vì quả thật, trong suốt các chương sách, điều mà người đọc nhận ra, đó là những bài học về sự cao thượng tuyệt đẹp, vẫn lấp lánh trong suy nghĩ và tâm hồn mỗi người ngay cả khi đóng sách lại.
Khởi đầu, Edmondo De Amicis chỉ định viết cuốn sách này cho thiếu nhi, nhưng sự thành công vang dội của tác phẩm này đã dẫn đến việc lan truyền ra hơn 50 ngôn ngữ, và cả người lớn cũng say mê với từng con chữ. Nhiều thế hệ đã đọc, học và dạy lại cho con em mình những bài học về sự bao dung giữa thế giới đầy những phiền muộn này. Những câu chuyện trong sách kể về nước Ý, nhưng ai cũng có cảm giác gần gũi như chính cuộc sống của mình.
Được viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini, cậu học trò 10 tuổi, “Tâm hồn cao thượng” đem đến người đọc những câu chuyện nhỏ, diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico, nhưng cũng là những vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Gia đình Enrico Bottini thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi nhiều bạn cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Đó chính là lý do, dù là trong thế giới của những đứa trẻ, những va đập xã hội vẫn diễn ra liên tục. Và sau những va đập đó, những mảnh vỡ nhặt được lại lóng lánh giá trị sống, lòng yêu nước, sự chân thành, và hơn cả là sự tử tế của mỗi con người. Mỗi câu chuyện giản dị là bài học sâu sắc về công ơn cha mẹ, về lòng yêu nước, nghĩa thầy trò, tình bạn, những con người lạc quan biết vượt qua số phận, những bất hạnh mà con người phải đối mặt và lòng can đảm… Bạn đọc sẽ thấy mình gần gũi biết bao với lớp học của Enrico với hơn 50 người bạn, mỗi người bạn là một tính cách, một số phận.
Bạn đọc có thể sẽ gặp lại chính mình trong cảm xúc chân thành của Enrico, khi sau kỳ nghỉ hè dài trở lại trường, “lấy sự đi học làm ngại” để cha cậu gửi cho lá thư về ý nghĩa “Học đường”, động viên hàng triệu trẻ em trên thế giới về lòng hiếu học, với đoạn văn một thời nhiều người đã thuộc làu: “Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm chiến trường, coi sự ngu dốt là thù địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”.
Đó là Precossi – con trai người thợ khoá, bị cha đánh thường xuyên đến độ thành ra người nhút nhát, nét mặt lúc nào cũng buồn rầu, sợ sệt. Nhưng đáng quý thay, vượt qua bất hạnh, Precossi luôn ham học và học giỏi, được bạn bè thầy cô quý mến, như Enrico đã thốt lên “Nếu sự học của cậu được đầy đủ, được săn sóc như ở các gia đình khác thì cậu ấy đã ngồi đầu lớp tự bao giờ.”
Đó là cậu học trò nghèo Coretti vừa cưa củi, vừa học bài, vừa chăm mẹ; anh hùng nhỏ tuổi Robetti – con trai một viên quan ba pháo binh vì lao ra đường cứu đứa bé mà bị xe cán nát chân.
Đó là một người tù làm chiếc giá cắm bút chạm khắc tỉ mỉ trong đề lao để tặng cho người thầy giáo đã kiên trì dạy chữ cho mình trong lao ngục. Người tù ấy đã dành hết sự tôn trọng, biết ơn của mình đối với thầy giáo vào từng nét chạm trong suốt sáu năm. Một sự tình cờ đã giúp Enrico biết câu chuyện của người tù, và cũng biết rằng người tù ấy là bố của Crossi – bạn mình. Vì sợ con tổn thương, cha Crossi đã giấu con mình suốt những năm ở tù, nói mình đi làm thuê ở Châu Mỹ. Khi biết được sự thật, Enrico và người bạn Derossi đã xử sự rất cao thượng: “Hồi toà kết án, Crossi còn bé không biết nên mẹ cậu ấy đã cố ý giấu chuyện này. Vậy ta không nên đả động việc ấy nữa, và phải tôn trọng sự không biết của cậu ấy”.
Bạn đọc cũng sẽ rơi nước mắt vì xúc động khi chứng kiến cuộc đắm tàu thảm khốc trên biển, trong khoảnh khắc sinh tử “một ý định cao cả thoáng qua trên nét mặt” cậu bé Mario, cậu nhường chỗ duy nhất còn lại trên xuồng cứu hộ cho người bạn đồng hành của mình vì “Cậu còn bố mẹ, tớ chẳng còn ai. Nhường cậu chỗ của tớ đấy”.
Trên mảnh đất mà phù sa là những câu chuyện nhỏ của Enrico Bottini đắp bồi, những hạt mầm tử tế được ươm chồi sẽ nảy lộc. Quyển sách dạy cho ta lòng biết ơn và trắc ẩn, dạy ta nỗ lực vượt qua số phận, giữ lòng can đảm trên con đường tiến về phía trước; dạy ta sự hào hiệp, lòng bao dung, tha thứ; dạy ta lối sống khiêm nhường, tôn trọng những người xung quanh, bởi Tổ quốc đẹp giàu hơn là nhờ những con người lao động chân chính, đổ mồ hôi, nước mắt trên công trường, ruộng đồng, xưởng máy.
Hãy bắt đầu với một câu chuyện bất kỳ nào đó trong cuốn sách, chuỗi ghi chép này sẽ sớm lôi người đọc vào một thế giới khác, mà khi bước ra khỏi đó, có thể bạn sẽ thấy mình được đánh thức bản thiện nguyên sơ, chữa lành những nông nổi hay vội vàng mà cuộc sống thế kỷ 21 đang bào mòn trái tim mình. Và chúng ta sẽ cùng mơ về những điều mà vật chất không bao giờ đánh đổi được, sự cao thượng của con người.
Thắp lên một ngọn nến sáng, gieo một niềm tin yêu từ bạn đọc, ngọn lửa của sự tử tế sẽ toả lan. Hy vọng cuốn sách “Tâm hồn cao thượng” sẽ đem lại cho bạn đọc, đặc biệt là những bạn đọc nhỏ tuổi nhiều điều thú vị.Thư viện Hà Nam trân trọng giới thiệu!
Trần Bích.