Hà Nam với biểu tượng Sông Châu - Núi Đọi, một miền đất cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ, cửa ngõ phía Nam kính đô Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Vùng đất “Địa linh nhân kiệt” này, lưu giữ những giá trị đặc sắc của nhiều tầng văn hóa cổ phản ánh công cuộc khai phá vùng đồng chiêm trũng và công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, lắng đọng những tinh hoa văn hóa đặc sắc, như: Trống đồng Ngọc Lũ - Bảo vật Quốc gia, Đền Trúc thờ danh tướng Lý Thường Kiệt, Đền Trần Thương thờ Trần Hưng Đạo; Chùa Đọi, Chùa Bà Đanh; Lễ Tịch Điền Đọi Sơn, hát dậm Quyển Sơn... là quê hương của những danh nhân văn hóa lớn Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn liệt sĩ Nam Cao; nơi sinh ra Nguyễn Hữu Tiến - người đầu tiên vẽ lá cờ sao vàng 5 cánh trong nhà tù thực dân. Tất cả đã hòa quyện, hun đúc để tạo nên một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, kiên cường cách mạng, sản sinh ra những con người anh hùng trong chiến đấu, xuất sắc trong học tập, lao động và sản xuất.
Trong không khí phấn khởi Chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, Kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam. Thư viện tỉnh Hà Nam trân trọng giới thiệu cuốn sách “Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại” do nhóm tác giả: Giáo sư Hoàng Chương, Tiến sỹ Nguyễn Minh San, Thạc sỹ Nguyễn Đức Toàn biên soạn. Cuốn sách dày 551 trang, được NXB Dân Trí ấn hành năm 2015.
Cuốn sách là tập hợp những bài viết trong cuộc Hội thảo khoa học “Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại” của 50 tác giả là các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu về văn hóa nghệ thuật.
Kính thưa các quý vị và các bạn !
Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại là một đề tài hấp dẫn, càng đi sâu tìm hiểu càng thấy cuốn hút vô cùng. Bởi Hà Nam là phên dậu của Thăng Long, mảnh đất trầm tích văn hóa vô cùng phong phú và nhiều điều mới lạ, xưa cũng như nay. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ thời đại Hai Bà Trưng đến thời Tiền Lê và tiếp nối đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biết bao anh hùng nghĩa sĩ người Hà Nam như Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) như Đinh Công Tráng và biết bao anh hùng nghĩa sĩ đã tham gia tích cực trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng mà lịch sử đã ghi chép trong sách vở và truyền tụng trong nhân gian, cũng như tôn thờ trong hàng trăm đền đài, miếu mạo khắp vùng đất Hà Nam và ở nhiều địa phương khác. Thật là thú vị khi nhắc tới Trống đồng Ngọc Lũ và lá cờ đỏ sao vàng đều do người Hà Nam tạo nên. Di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống và nghệ thuật biểu diễn dân gian dày đặc trên mảnh đất chiêm trũng Hà Nam - cái nôi của vùng văn hóa Sông Hồng đã phần nào cho chúng ta thấy được bề dày lịch sử oai hùng của miền đất văn hiến ngàn năm này. Nhân dân Hà Nam tự hào về miền “đất võ trời văn” của mình nên đã có ca dao:
“Ngàn năm võ vật đua tài
Vạn năm sông núi rộng dài tổ tiên...”
Đứng trước Ngũ Động Sơn (ở Kim Bảng) nhà thơ Vũ Mão tức cảnh thành thơ:
“ Thấp thoáng chiều Thu Ngũ Động Sơn
Bên dòng sông Đáy trúc xanh rờn
Đền xưa ẩn khuất nơi thanh vắng
Thánh thót chuông chùa vọng khúc ngân...”
Tổ tiên người Hà Nam, tổ tiên dân tộc Việt không ngừng rèn trí, luyện tài để bảo vệ giang san, Tổ quốc: Có biết bao người con Hà Nam ưu tú đã ngã xuống mảnh đất miền Nam, vì tự do độc lập của Tổ quốc mà các nhà văn, các nhà sử học đang vinh danh. Con người Hà Nam xưa và nay đều mang tâm hồn và phong cách thuần Việt, hồn nhiên và chân thật thể hiện trong cả những người phụ nữ bị oan khiên như nàng Vũ Thị Thiết được nhân dân tôn thờ và đã từ lâu đã trở thành nhân vật đẹp trong nhiều vở chèo, cải lương được biểu diễn khắp đất nước với nhiều tên vở khác nhau: Chiếc bóng oan khiên, Thiếu phụ Nam Xương... Có thể nói, ba nhân vật người Hà Nam là Trần Bình Trọng, Lê Hoàn và Vũ Thị Thiết đã có sức sống lâu bền nhất trên sân khấu cả nước trong nhiều thập kỷ qua.
Hà Nam là nơi vua Lê Đại Hành tổ chức Lễ tịch điền ở Đọi Sơn, nêu gương sáng về sự chăm chỉ làm ăn, mở ra công cuộc khai khẩn “Dĩ nông vi bản”. Đích thân nhà Vua đi chân đất, lội ruộng, quất trâu mở xá cày đầu tiên, cũng là mở lối đường cho nông dân yêu quý, chăm lo đồng ruộng; để lại một phong tục đẹp cho các vương triều phong kiến nước ta thời kỳ sau học tập. Và từ nhiều năm nay chúng ta đã phục dựng và duy trì Lễ hội Tịch Điền, được nhân dân cả nước quan tâm, ngưỡng mộ.
Là quê hương của Lương Khánh Thiện - người đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 1925. Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đầu tiên (năm 1936), rồi xứ ủy Bắc Kỳ, bị giặc bắt nhiều lần, bị tù đầy ở Côn Đảo, Hỏa Lò...và bị giặc Pháp xử bắn ngày 01/9/1941 tại Kiến An. Trước khi ngã xuống, đồng chí vẫn hô vang “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm ! Cách mạng Việt Nam muôn năm” nêu cao tấm gương sáng, khí tiết cộng sản kiên cường.
Nói đến Hà Nam người ta cũng không quên những: Bia căm thù Đức Bản (Lý Nhân) nơi nêu gương 32 cụ già và em nhỏ đã bất khuất, kiên cường, thà hy sinh tất cả để bảo vệ lực lượng bộ đội, giữ bí mật cho chiến dịch đánh lớn tấn công địch đã bị giặc Pháp giết hại đồng loạt năm 1952; Là nơi nổi tiếng trống Bồ Đề năm 1930, mở đầu cuộc nổi dậy của nông dân Hà Nam; Tiếng trống Bắc Lý - ngôi trường ở vùng đồng chiêm trũng (nay là trường THCS Bắc Lý), với tình yêu thương hết lòng vì học sinh thân yêu của các thế hệ thầy, cô giáo và lòng hiếu học, quyết tâm vượt khó của các thế hệ học trò, đã vươn lên trở thành “ Lá cờ đầu của giáo dục miền Bắc”.
Tiếp nối truyền thống cách mạng, hiếu học và những giá trị văn hóa mà các thế hệ cha ông đã tạo dựng nên, người Hà Nam đang phấn đấu đi lên, lao động sáng tạo, xây dựng cuộc sống mới. Trải qua biết bao khó khăn, thách thức, nhân dân Hà Nam đã phát huy truyền thống anh hùng mà vươn lên cùng với cả nước. Sau 23 năm tái lập tỉnh, Hà Nam đã có bước chuyển mình đáng kể. Kinh tế phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, an sinh xã hội được đảm bảo, môi trường đầu tư được cải thiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nam.
Cuốn sách “Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại” phải chăng nền tảng của văn hiến, là tư tưởng nhân bản, là tình yêu giống nòi, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân loại, là Hòa bình, Hạnh phúc. Thế giới này chỉ còn lại Tình yêu, mà thế giới này bây giờ rất cần tình yêu, rất cần Hòa bình, rất cần những tư tưởng nhân bản, nhân ái, yêu nước thương nòi, yêu nhân loại, yêu cả thiên nhiên, đó là nền tảng của văn hiến. Mọi cái rồi sẽ qua đi chỉ còn lại văn hiến, chỉ còn Tình yêu ở lại. Và chính như thế, tình yêu không hạn hẹp ở Hà Nam. Văn hiến Hà Nam - Tài nguyên vô giá, sức mạnh quan trọng trong đổi mới, phát triển quê hương đất nước, luôn hòa cùng dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Trân trọng kính mời bạn đọc yêu mến Hà Nam, theo dòng Văn hiến Hà Nam từ truyền thống tới hiện đại, để khám phá những giá trị văn hóa đích thực của vùng đất văn hiến, với những tên tuổi đã góp phần làm vẻ vang, cho lịch sử và văn hiến nước nhà. Qua đó, hy vọng giúp bạn đọc sẽ thêm yêu quý mảnh đất núi Đọi - sông Châu và đến với Hà Nam đang từng ngày Đổi mới, Phát triển, Bền vững./.
Bài: Hà Hằng