Trên khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, có hàng ngàn, hàng vạn tượng đài liệt sỹ. Đó không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của các trận đánh trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ở thế kỷ XX mà còn là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng triệu anh hùng liệt sỹ - những người đã ngã xuống cho Tổ quốc phồn vinh. Để rồi mỗi năm đến ngày 27/7, Tổ quốc lại gọi tên các anh, hơn 90 triệu người dân Việt Nam nhớ các anh - những người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh không bao giờ khuất.
Và trong số đó có một đóa hoa bất tử đã được các nhà thơ, nhà văn chọn tất cả các danh từ cao quý để ca ngợi: “Người thanh niên vĩ đại, ngôi sao chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh” đồng thời được nhà thơ Tố Hữu dành cho những lời thơ ca ngợi:
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra “
“Sống như anh” tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của chiến sỹ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi. Anh quê ở làng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Anh vào Nam, hoạt động cách mạng, vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng rồi cuối cùng tham gia giết tên Mắc Namara. Vụ đánh mìn cầu Công Lí hòng tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bị lộ, anh Trỗi bị bắt giam. Lúc đó, anh vừa cưới vợ mới được có 19 ngày. Vì anh giấu kín nên đến khi anh bị bắt, chị Quyên mới biết chồng là Việt cộng. Sau 5 tháng giam cầm, tra tấn dã man anh Trỗi mà không khai thác được gì, sáng ngày 15/10/1964, cảnh sát chế độ cũ đã đưa anh ra xử bắn trong khu vực khám Chí Hòa. Các phóng viên nước ngoài chứng kiến cuộc hành hình đã thuật lại rằng trước khi ngã xuống, anh đã hô vang “Hãy nhớ lấy lời tôi ! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”
Cái chết “hóa thành bất tử của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi” đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngọn lửa kiêu hãnh ấy đã được Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam thắp lên dưới tay nhà văn Trần Đình Vân và qua tư liệu sống là chị Phan Thị Quyên vợ anh Trỗi.
Cuốn sách được nhà văn, nhà báo Thái Duy (bút danh là Trần Đình Vân) viết lúc đầu có tên là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”. Bản thảo được các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất quan tâm đọc và sửa chữa thêm sau đó được chính đồng chí Phạm Văn Đồng đặt lại tên cuốn sách là “Sống như Anh”. Đây là một trong ba cuốn sách được bạn đọc bình chọn có nội dung hay nhất năm 2002 và sớm trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ bộ đội, thanh niên, sinh viên, học sinh... Những thông tin về cuộc đời anh không nhiều nhưng càng đọc, từng trang, từng trang càng thấy hiện lên toàn vẹn một con người, một con người anh hùng thực sự rất sinh động, sống như thế nào, suy nghĩ như thế nào, hành động thế nào trong mọi cảnh ngộ. Đặc biệt là trong hoàn cảnh bị địch bắt, trải qua bao lần tra tấn, đứng trước cái chết người anh hùng đó đã tỏ rõ khí phách dũng cảm và một trí tuệ minh mẫn lạ thường.
Điểm nổi bật ở anh là lòng yêu nước nồng nàn. Trơng những ngày cưới anh vẫn xin đi làm nhiệm vụ nguy hiểm. Ví thiếu tiền mua dây điện anh còn bán đi cả nhẫn cưới của mình. Anh đã nói: “Tôi yêu vô cùng Tổ quốc Việt Nam của tôi, tôi không thể để bọn Mỹ giày xéo lên quê lên đất nước tôi”. Và cảm động biết bao khi trên pháp trường, anh đã giật phắt mảnh băng bịt mắt để nhìn lại mảnh đất thân yêu một lần cuối cùng và phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần như đặt tất cả hy vọng, niềm tin vào vị cha già kính yêu của dân tộc.
Hiên ngang, kiên quyết trước kẻ thù nhưng lại tha thiết với quê hương, dịu dàng, chu đáo với người yêu với đồng đội, đồng chí. Tình yêu của anh Trỗi với chị Quyên có nhiều nét đẹp trong sáng, yêu thương vô hạn, nhân tình vô cùng. Thấy vợ hơi đau là lo cuống lên, nấu cháo cho vợ, quạt cho vợ ngủ, sách nước sang nhà hàng xóm cho vợ tắm. Cả đến lúc ở khám tử hình, vợ đến thăm lần cuối cùng, anh vẫn còn nhắc “mấy bậc nhà tắm cao lắm, em xách nước nửa thùng một kẻo té thì khổ”. “Anh chỉ muốn em tốt hơn, anh có muốn em chỉ có thế này đâu”. Tình yêu ấy đã nâng một người vợ lên ngang tầm đồng chí của một anh hùng.
Cái khí phách ấy ta không chỉ thấy ở anh mà còn thấy ở cả một tập thể những người đang chiến đấu cùng anh. Tập thể anh em công nhân sống cùng anh, tập thể trong nhà tù với tất cả những con người rất bình thường và cũng rất gần gũi với chúng ta như chị Y, chị X, anh Lời, người cùng làng của anh, Hứa - người cháu của anh cho đến người bạn tử tù của anh cứ ngày ngày lặng lẽ sống bên anh mà không biết anh là ai nhưng lại đầy lòng yêu thương đồng chí với nhau. Họ cũng luôn dành cho anh một sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt.
Trong “Sống như Anh” ta còn thấy một chị cán bộ X từng trải, giàu kinh nghiệm, giàu nghị lực đã dạy dỗ chị Quyên biết yêu quý những đức tính và nhất là sự dũng cảm của chồng mình, rèn luyện chị Quyên trở thành người thật xứng đáng với chồng mình. Có lẽ chị Quyên gặp được chị X mới hiểu được người chồng của mình lớn lao và đáng quý đến mức nào. Vào tù chị mới hiểu thật rõ, thật đầy đủ mới cắt nghĩa được vì sao anh Trỗi yêu thương chị tha thiết mà lại có thể hy sinh hạnh phúc riêng một cách nhẹ nhàng như vậy, vì sao anh vẫn yêu thương chị mà vẫn sửa cho chị những khuyết điểm nhỏ nhặt hàng ngày.
Trong tập thể anh hùng ấy ta còn bắt gặp hình ảnh của những con người trong cùng cảnh ngộ yêu thương nhau như thế nào: những em bé bán báo đã làm náo động cả thành phố Sài Gòn, reo tên anh Trỗi một cách rất phấn khởi, bác lái xe tốt bụng đã chở chị Quyên chạy lùng khắp Sài Gòn, đến tất cả các nghĩa địa để tìm mộ anh Trỗi mà chỉ lấy một ít thù lao nhỏ, những ông bán chiếu...tất cả đều được miêu tả rất sinh động cho ta thấy một lực lượng vĩ đại mà không một sức mạnh nào có thể khuất phục, tiêu diệt nổi.
Đồng chí Phạm Văn Đồng có nói “Có những ngôi sao càng nhìn, càng thấy sáng”. Đúng vậy người anh hùng này, tập thể anh hùng này trong Sống như Anh đẹp như một giải Ngân Hà, trong đó có những ngôi sao càng nhìn lâu càng thấy sáng lạ lùng.
Sau cái chết của anh đã nổi lên những phong trào học tập, nêu gương anh, trả thù cho anh trong các tầng lớp nhân dân từ Nam chí Bắc và cả một số nước bạn trên thế giới như Trung Quốc, Triều Tiên... Anh là niềm kiêu hãnh, là đóa hoa tươi của những lớp thanh niên lên đường chiến đấu, là nguồn thi đua trên những công trình sản xuất lớn. Tinh thần Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành đề tài sáng tác cho rất nhiều nhà thơ, nhà báo và nhạc sỹ.
Sống như Anh, một câu chuyện giản dị và sâu sắc với những cảm xúc rât phong phú và chân thực. Nỗi dung trữ tình của tác phẩm làm cho chuỗi ngày của quá khứ hiện lên sinh động và thật cảm động. Mỗi một dòng chữ là một lời chân thành tâm sự. Mỗi tâm trạng như còn mang theo hơi nóng của trái tim.
Nguyễn Văn Trỗi là đóa hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và “Sống như Anh” thật sự là một thiên anh hùng ca lớn, một bài ca lớn của dân tộc ta, của đồng bào miền Nam. Nó góp phần không nhỏ cắt nghĩa thêm cho chúng ta và cắt nghĩa cho những ai chưa hiểu vì sao chúng ta dám đánh và có thể đánh thắng đế quốc Mỹ và giành được thắng lợi như hiện nay. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết : “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”
Và cuối cùng, xin được kết lại bằng câu thơ của đồng chí bộ đội của Đại đội 1 pháo cao xạ, đơn vị anh hùng :
“Càng đọc từng trang càng thấy đẹp
Sống như Anh trọn đời gang thép”
Hồng Anh