Trong nhịp sống ồn ào, vội vã của cuộc sống hôm nay, đôi khi người ta cũng cần dừng lại, mua thêm cho mình một chút suy tư, một chút nhớ mong, một chút bình yên để lấy sức và rồi lại tiếp tục bước đi.Có nhiều nơi để người ta tìm thấy chỗ dừng chân và mua cho mình những điều đó. Một trong những nơi đó, là ở các trang viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, với tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ”. Chuyên mục Sách hay cuối tuần xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.
Cuốn sách đã giành được Giải A cuộc thi Vận động sáng tác văn học thiếu nhi năm 2002 do Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn TP. HCM tổ chức và được phát hành lần đầu năm 2004. Sách đã được tái bản nhiều lần. Tiếp đó, năm 2007, truyện được dịch qua tiếng Thuỵ Điển và đến năm 2008 đã giành được giải Peter Pan của Thuỵ Điển cho mảng văn học thiếu nhi.
Cuốn sách gồm 19 thiên truyện nhỏ kể về một cậu bé 10 tuổi tên là Dũng ở làng quê Việt Nam thông qua cuộc sống xung quanh cậu với khu vườn, người thân, bè bạn, xóm giềng; từ những thứ nhỏ nhặt như: cái răng khểnh, ngón tay cho đến chuyện một người quen có con vì sinh non nên đã qua đời.
Một thế giới trẻ thơ mộng mị và đầy ắp những yêu thương. Một thế giới đầy những bí mật được khai mở bằng óc quan sát tinh tế, hồn nhiên và bay bổng, với ý niệm về hạnh phúc, khổ đau… tất thảy đều lấp lánh và hiền lành dưới ngòi bút tỉ mẩn, đầy tinh khôi.
Đây là truyện dành cho trẻ con, với lối viết cổ tích, câu văn đơn giản, trong sáng và đầy cảm xúc. Thế nhưng người lớn khi đọc nó vẫn có thể tìm thấy những câu văn cho riêng mình. Vì vậy, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là những bài học kỳ lạ dành cho người lớn.
Bài học đầu tiên là sự tự tin, qua các mẩu truyện: Những âm thanh đẹp nhất; Ghét cái răng khểnh; Thương nhớ ngón tay; ...
Bài học thứ hai là sự quan tâm, chia sẻ, qua các mẩu chuyện: Đôi guốc của cô giáo Hà; Người khách lạ đến viếng khu vườn; Ngày bí mật;…
Bài học thứ 3 đó là sự yêu thương: Qua các mẩu chuyện: Tình yêu; Bi kịch,…
Bài học thứ 4, thứ 5, thứ 6,…
Còn nhiều bài học giản dị khác có thể học được từ cậu bé 10 tuổi này. Những bài học vẫn dùng để dạy cho người lớn. Nhắm mắt mở cửa sổ để tận hưởng được cả các mùi vị, cái không khí của cuộc sống này. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Người ta vẫn thường thấy cả thế giới bằng đôi mắt. Nhưng với tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, thế giới tràn vào bằng mọi giác quan. Chỉ cần một chút để ý, một chút lắng nghe, một chút quan tâm, một chút chia sẻ… Mỗi thứ chỉ một chút thôi và chúng ta sẽ thấy cả thế giới.
Cậu bé Dũng - nhân vật chính trong truyện, bề ngoài không có gì nổi bật. Như bao đứa trẻ 10 tuổi khác, cậu cũng có những trăn trở, suy nghĩ và hành động rất “trẻ con”. Cậu bé đau khổ khi bị bạn bè trêu chiếc răng khểnh của mình: “Từ đó, tôi không dám cười nữa. Tôi rất đau khổ. Tôi ghét những đứa có hàm răng đều. Chúng còn chỉ vào mặt tôi nói: “Đó là vì mày không chịu đánh răng. Những người đánh răng, răng đều mòn”.
Khi đọc đến đây tôi tự hỏi, không biết trong chúng ta, có ai không đau khổ vì những khiếm khuyết của mình không nhỉ? Có chứ, người lớn luôn thế. Càng lớn, người ta càng muốn mình thật đẹp trong mắt mọi người. Đôi khi chỉ vì một điều gì đó không trọn vẹn trên cơ thể, mà người con người ta mất đi niềm tin, niềm tin vào cuộc sống và vào chính bản thân mình.
Tôi thích cái cách mà bố cậu bé động viên cậu bé: “Khi cười, khuôn mặt con sẽ rạng rỡ” và cái câu nói mà trong chúng ta có lẽ cũng biết, nhưng đôi khi cứ thích quên đi “Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình”.
Tôi thích cái cách cậu bé xòe bàn tay ra đếm, để nhận thấy rằng mình có đầy đủ 10 ngón tay và nhận ra sự quý giá của sự đầy đủ trên chính cơ thể mình. Người lớn có bao giờ nhận thấy sự đầy đủ đó không? Người lớn có bao giờ thấy yêu cơ thể mình không, chỉ vì mình có đầy đủ hơn rất nhiều người khác không? Một đứa trẻ 10 nói rằng: “Lần đầu tiên tôi thấy một niềm vui từ thân thể mình và tôi cũng hiểu nỗi buồn của những người không còn đầy đủ thân thể”. Có bao giờ, trong cái cuộc sống bận rộn, hối hả, bon chen, người lớn nghĩ đến điều này không nhỉ? Mỗi con người là một sản phẩm của tạo hóa. Tại sao người lớn lại không yêu thương và tin tưởng vào chính mình?...
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” khép lại không phải là niềm hân hoan mà là nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn ấy lại đẹp một cách kỳ lạ!“Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không”.
Xin được kết thúc bài giới thiệu cuốn sách bằng lời nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái: "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đã thật sự là một cú đúp ngoạn mục về văn chương: Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong đó đã là một truyện tặng cho bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện dành cho người lớn. Bởi chúng nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ, bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi, với động thái đắm đuối nhị nguyên rất mới lạ: vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ... nhìn ra thế giới. Và chỉ để phát hiện ra rằng ''thế giới'' chính là tất cả những gì thân thuộc, thân mến nhất ngay ở trước mắt: khu vườn nhỏ cạnh cửa sổ nhà mình, cuộc sống hàng ngày êm đềm của cha mẹ, bạn bè, cô giáo, hàng xóm láng giềng kế bên, và... thật thú vị, ở ngay trong trái tim của chính mình, khiến mình phải viết ra giấy, cho chính mình trước hết."
Hà Dung