Kỷ luật không nước mắt
Cập nhật: 25/06/2021 15:14
Gia đình là điểm tựa vững chắc và cũng là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi con người. Không biết tự bao giờ, hai tiếng “gia đình” đã đi cùng mỗi người chúng ta với một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và cao cả, đó là cái nôi cho mỗi người sinh ra và trưởng thành. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học,….đều được hình thành,vun đắp và phát triển trong mỗi gia đình Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Nhân kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6. Chuyên mục Sách hay cuối tuần trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” của tác giả Phan Thương.
Cuốn sách dày 320 trang, được chia thành nhiều chương với những bài học hay và ý nghĩa. Có thể kể đến: Không tôn trọng làm giảm hiệu quả dạy con; Môi trường sống là mảnh đất ấm để trưởng thành; Giao tiếp phải “nghe nhiều hơn nói”; Trách phạt là một nghệ thuật…Trong mỗi chương tác giả đã đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ, cách giao tiếp và lắng nghe con cái. Bên cạnh đó còn có nghệ thuật trách phạt để trẻ nhận ra lỗi lầm và khích lệ được những năng lực tiềm ẩn của con, gạt bỏ đi những quan niệm giáo dục sai lầm cũ kỹ…“Chiều chuộng con cần phân giới hạn, trách phạt con cần biết mức độ”
Trong quá trình con trẻ trưởng thành, chúng có thể gây ra những việc khiến chúng ta nổi giận như bướng bỉnh, không nghe lời…không ít các bậc cha mẹ vì những vấn đề khác nhau của trẻ mà nổi giận, thậm chí có lúc không kiềm chế được cảm xúc mà lớn tiếng chửi mắng hay đánh đập con cái. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đó không phải là cách dạy con đúng đắn. Những đứa trẻ trưởng thành trong môi trường bị đánh chửi rất dễ bị tự kỷ, sợ hãi và hận thù cha mẹ. Nguyên nhân chính là giáo dục đòn roi không truyền đạt được tình yêu thương của cha mẹ dành cho con mà chỉ mang đến sự vô tình và lạnh nhạt.
Ngay tựa đề tác giả đã viết “Một ánh mắt khích lệ, một nụ cười ấm áp đều có thể trở thành những món quà vô giá trong mắt trẻ”. Đúng vậy, trẻ con cần được sống trong tình yêu thương, nhưng yêu thương không đồng nghĩa với việc nuông chiều. Thương con đúng cách cần đi đôi với kỷ luật. Thế nhưng kỷ luật như thế nào cho đúng, đây cũng cũng chính là điều mà những bậc làm cha mẹ quan tâm nhất. Kỷ luật không phải là hình phạt mà là phương pháp giáo dục dựa trên việc thấu hiểu, đồng cảm với trẻ.
Đã có rất nhiều bậc cha mẹ không hiểu nổi vì sao cách giáo dục của mình thất bại. Thực ra, xử trí theo cảm tính chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại. Trong quá trình dạy dỗ đã không thể kiềm chế được cảm xúc của mình nên những nỗ lực ấy không nhận được kết quả xứng đáng. Các bé cũng không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, không thể hiểu được vì sao bố mẹ lại đánh chửi mình như vậy. Giữ vững tâm lý và dùng lý trí xử lý vấn đề trong các tình huống là hai yếu tố mà nội dung cuốn sách tác giả muốn truyền tải tới người đọc.
Dù ở bất cứ thời điểm nào, là một đứa trẻ hay đã trưởng thành thì kĩ năng sống luôn giữ một vai trò quan trọng, nó quyết định đến cả tương lai của một con người. Chính vì vậy, người ta thường ví đứa trẻ như một cái cây nếu được nuôi trồng trong môi trường ánh sáng và nhiệt độ phù hợp thì chắc hẳn cái cây đó sẽ xanh tốt, khoẻ mạnh. Đứa trẻ cũng vậy được sinh ra trong môi trường tốt, được cha mẹ giáo dục và định hướng đúng đắn thì chắc chắn chúng sẽ là những đứa trẻ ngoan, hiểu chuyện và trưởng thành.
Là bố mẹ, ắt hẳn ai cũng yêu thương con mình rất nhiều, luôn muốn bảo vệ và nuôi dưỡng con thật tốt. Thế nhưng thực tế là sự bao bọc quá mức sẽ mất dần lên. Do vậy, việc trang bị các kỹ năng sống cho trẻ tự tin bước vào cuộc sống chính là điều trẻ cần nhất lúc này. Không ai khác chúng ta – những người làm cha làm mẹ nên là người hướng dẫn cho trẻ.
Bằng giọng văn giản dị, gần gũi, từng câu, từng chữ trong cuốn sách dường như là lời tâm sự, trao đổi trực tiếp của tác giả với các bậc cha mẹ về phương pháp giáo dục này, mà trọng tâm là “Hãy yêu thương nhiều hơn kỷ luật, và kỷ luật sẽ hình thành trên nền tảng yêu thương”. Thông qua các câu chuyện thực tế, bạn sẽ hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm nhận và tâm hồn của con mình, từ đó nhìn nhận lại cách nuôi dạy con có điểm nào chưa phù hợp để điều chỉnh kịp thời và đúng đắn nhất.
Những câu chuyện thực tế giàu ý nghĩa giáo dục và đậm chất nhân văn mà tác giả đã lồng ghép vào trong cuốn sách, nó như một thông điệp, một bài học về kĩ năng nuôi dạy trẻ giá trị đối với bậc làm cha mẹ. Bên cạnh đó nó còn có tác động sâu sắc đến tâm hồn và lí trí của trẻ thơ. "Cha mẹ không nên lúc nào cũng tự cho mình là bề trên, khi bạn lúc nào cũng tỏ ra bề trên oai vệ nhìn xuống, con trẻ có lẽ vẫn sẽ kính trọng bạn. Nhưng bạn sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng của trẻ, bởi như vậy bạn sẽ rất khó hiểu được trẻ."
Bản thân tôi cũng là một người mẹ, sau khi đã đọc hết cuốn sách tôi cảm nhận được cái hay và ý nghĩa thiết thực của cuốn sách mang lại. Nó đã giúp tôi có thêm cái nhìn đúng đắn về cách giáo dục và nuôi dạy những đứa con của mình.Đó là Đừng là người mẹ hay la mắng khi dạy trẻ. Cha mẹ luôn là người bạn gần gũi, luôn thấu hiểu thì trẻ mới ngoan, mới biết yêu thương và tôn trọng cha mẹ. Và nữa, tình yêu thương của cha mẹ giống như bữa ăn hàng ngày. Ngoài những lúc bận bịu với công việc nên dành nhiều thời gian để bên cạnh ăn cùng, chơi cùng và lắng nghe cùng con. Đặc biệt cha mẹ đừng bao giờ dùng bạo lực với trẻ bởi vì điều đó khiến trẻ lì lợm, nhiều khi là phục tùng một cách gượng ép. Cha mẹ hãy tôn trọng trẻ để trẻ cũng tôn trọng mình. Khi đó trẻ sẽ hiểu chuyện và để ý đến lời dạy của cha mẹ hơn.
Cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” như một món ăn tinh thần, là cuốn cẩm nang hữu ích gối đầu giường cho những người đã, đang và sắp bước vào hành trình làm cha, làm mẹ. “Chẳng bao giờ có loại thuốc bổ chữa được những căn bệnh xã hội hữu hiệu tốt hơn là một mái ấm khỏe khoắn và hạnh phúc. Chẳng bao giờ có nguồn ổn định xã hội lớn hơn một gia đình yêu thương và biết cảm thông. Chẳng bao giờ có cách giúp trẻ em hạnh phúc hơn lời tâm tình của bậc cha mẹ sáng suốt và trìu mến”.
Chu Lương - Tuyết Mai