Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng oai hùng đó đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân pháp kéo dài hơn 80 năm và chủ nghĩa phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2-9 chuyên mục sách hay cuối tuần trân trọng giới thiệu cuốn sách “70 năm mùa thu cách mạng” tác giả Vũ Kim Yến biên soạn, sách dầy 198 trang, khổ 21cm do nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2015, Sách chia làm hai chương:
Chương I: Cách mạng tháng Tám 1945 bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc
Chương II: Hồi ức về những tháng ngày lịch sử
Trong chương một, tác giả đã tái hiện một cách chân thực và sâu sắc về bối cảnh Việt Nam trước thời khắc lịch sử mùa thu năm 1945, cho đến hành trình đi tới một nước Việt Nam độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tất cả như một cuốn phim hồi ức quay chậm để đưa người đọc trở lại những ngày tháng oai hùng, tự hào, những kho khăn mà nhân dân ta đã phải trải qua trong thời kỳ trước những năm 1945. Qua các bài viết:
· Bối cảnh Việt Nam trước thời khắc lịch tháng tám năm 1945
· Hành trình đi tới một nước Việt Nam độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Chủ Tịch Hồ Chí Minh
· Đảng lãnh đạo cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc (1930-1945)
· Phong trào cách mạng 1930-1931
· Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền
· Cao trào kháng Nhật cứu nước
· Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (2-9-1945),vv…Tất cả là những dấu ấn và sự kiện lịch sử được trình bày một cách ngắn gọn và súc tích, dễ hiểu dẫn dắt người đọc đi qua từng giai đoan lịch sử.
Bối cảnh Việt Nam trước thời khắc lịch sử mùa thu năm 1945 vô cùng khó khăn, gian khổ, thực dân Pháp xâm lượcViệt Nam, sau khi hoàn thành bình định về quân sự, chúng thi hành chính sách khai thác thuộc địa hết sức tàn bạo đối với nước ta, gây ra sự biến động to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, làm thay đổi kết cấu giai cấp, đảo lộn cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, gây ra nạn đói kinh hoàng trong lịch sử. Việt Nam từ nước phong kiến độc lập trở thành nước nửa thuộc địa phong kiến.
Trước thất bại liên tiếp về con đường cứu nước của các bậc tiền bối cùng với hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân ngày 05 tháng 6 năm 1911đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn ra đi với hoài bão lớn, nung nấu quyết tâm cháy bỏng đó là giành “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ Quốc tôi, đấy là tất cả điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” Rồi cuộc hành trình của Người qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng 100 thành phố lớn, nhỏ tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa trên thế giới. Cuối cùng Người cũng đã tìm ra chân lý:“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Các bài viết được sắp xếp theo trình tự thời gian các mốc lịch sử sẽ làm cho người đọc dễ nắm bắt, cách viết ngắn gọn súc tích đã tái hiện lại cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước ta trước thời khắc ấy. Mở đầu là phong trào cách mạng 1930-1931 với hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp các đồn điền, hầm mỏ,vv... những cuộc đấu tranh đó như khúc dạo đầu của cao trào cách mạng rộng lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng....Tiếp đó phong trào đấu tranh giai đoạn 1936-1939, giai đoạn 1939-1941, tất cả là những cuộc diễn tập cho thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong bài viết: Tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (2-9-1945) chúng ta như đang hòa mình vào làn sóng cách mạng từng ngày, từng giờ dâng cao, lớn mạnh sẵn sàng nhấn chìm bè lũ tay sai và bọn cướp nước. “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm đứng lên!”Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước triệu người như một, nhất tề đứng lên với tinh thần “Dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập”.
Trước thời cơ ngàn năm có một, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Quân lính nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm bọn việt gian thân Nhật hoảng sợ… Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, phong trào “Kháng Nhật cứu nước” phát triển mạnh mẽ trong cả nước thu hút mọi tầng lớp, đảng phái tham gia mà tiêu biểu là phong trào “thanh niên xung phong”. Trong thời gian này, Đảng và Mặt trận có một chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân là: “phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói” đáp ứng nguyện vọng bức thiết của nhân dân tiếp thêm sức mạnh để đánh đổ ách thống trị của bọn phát xít. Chỉ trong gần hai tuần lễ, Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước chế độ thuộc địa và chế độ quân chủ từng ngự trị trên đất nước ta bị lật nhào. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Lời lẽ của bản Tuyên ngôn Độc lập thật đanh thép, khúc triết, giọng đọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật hào sảng, ấm áp làm xúc động hàng triệu con tim.
Qua các bài viết tác giả cho chúng ta thấy dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện với ý chí cách mạng kiên cường, nghị lực cách mạng vô song, không ngại hy sinh gian khổ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc đã đứng lên dương cao ngọn cờ đoàn kết, tập hợp lực lượng của cả dân tộc không kể giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc, già trẻ, trai gái quây tụ trong Mặt trận Việt Minh - thành quả của sự sáng tạo, nhạy bén của Đảng trên nền tảng tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, lấy mục tiêu “độc lập dân tộc là trên hết” thực tế đã thành điểm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng trong các tổ chức “cứu quốc” sẵn sàng vùng lên tổng khởi nghĩa giành độc lập khi thời cơ cứu nước đã đến. Chương hai của cuốn sách là hồi ức của những đồng chí đảng viên đã từng được Bác trực tiếp dìu dắt rèn luyện trưởng thành, mỗi mẩu chuyện ngắn gọn, chân thực nhưng lại ẩn chứa một bài học sâu sắc về đạo đức cách mạng của Người như: Bác Hồ ở Pắc Bó, Vào núi gặp Bác, Bác Hồ về bản tôi, Bác về Tân Trào…Qua đó chúng ta thấy Bác không chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc, một lão thành cách mạng hay một danh nhân văn hóa thế giới… mà Bác còn là một vị lãnh tụ vĩ đại, thân thương, gần gũi tới lạ thường. Trong bài viết “Bác Hồ về bản tôi” đồng chí Dương Đại Lâm đã kể: “Người về đây như về lại gia đình, gặp gỡ con cháu, không nề hà bất cứ việc gì, thấy mấy cháu mặc quần áo bẩn và rách, Người lộ vẻ không vui, Người ân cần tắm gội cho từng cháu nhỏ”… Biết bao người chiến sĩ cộng sản từng sống và làm việc với Bác thường không khỏi xúc động khi hồi tưởng lại những ký ức ấy. Bác luôn để lại ấn tượng đẹp trong tim mỗi chúng ta vì vẻ giản dị, mộc mạc. Trong từng lời nói của Bác đều ẩn chứa những luân lý đạo đức nhưng không khô khan mà nhẹ nhàng, sâu lắng và dễ dàng đi vào lòng người. Cách sống của Bác cũng bình dị, mộc mạc, mục đích sống của Bác là hết lòng vì nước vì dân. Bác không có dinh thự như bao vua chúa khác mà ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ để có thể hòa mình với thiên nhiên, ăn những bữa cơm thật bình dân, mặc những bộ quần áo thật dản di…. Tư trang của Bác cũng ít ỏi, chỉ là hai bộ quần áo thường mặc với vài kỷ vật sau những chuyến bôn ba nước ngoài. Là một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng Bác lại bình dị và mộc mạc thế đấy. Mỗi câu chuyện về Bác là một bài học đạo đức nhẹ nhàng, thấm thía.
Cuốn sách “70 năm mùa thu cách mạng” sẽ cho chúng ta thấy những đóng góp to lớn của quân và dân ta với cách mạng trong những ngày tháng Tám mà đỉnh cao là sự lãnh đạo tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những bài học lịch sử chân thực, sinh động vừa hào hùng vừa xúc động, để bao thế hệ người Việt Nam vẫn luôn nhớ về một mùa thu cách mạng và tự hào về ngày mùng 2/9/1945 ,ngày Quốc khánh, ngày độc lập dân tộc sau những đêm dài tối tăm nô lệ. Thư viện Hà Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Trương Thuỷ