Giới thiệu cuốn sách: KỶ VẬT CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN

Cập nhật: 07/10/2021 09:05

Quý bạn đọc thân mến!

  Hai cuộc kháng chiến kéo dài qua nhiều thập kỷ trên dải đất Việt Nam đã biến nhiều cuộc đời trở thành kí ức, nhiều lời hẹn ước trở thành những giấc mơ. Bao máu xương của đồng bào chiến sĩ đã đổ xuống cho đất nước được độc lập, tự do. Những vật dụng của họ theo năm tháng đã trở thành những báu vật được nâng niu gìn giữ. Với thế hệ hôm nay, những kỷ vật kháng chiến đã trở thành chiếc cầu nối cho những cuộc hội ngộ giữa quá khứ và hiện tại.

         Có những kỷ vật sẽ bị bào mòn theo năm tháng, nhưng cũng có những kỷ vật sẽ còn sống mãi với thời gian. Để hiểu thêm về vai trò và đóng góp của người Phụ nữ Việt Nam với lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn lịch sử 1945 - 1975, Thư viện tỉnh Hà Nam xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc cuốn sách “Kỷ vật còn mãi với thời gian”. Cuốn sách dày 250 trang, do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành.

       Với 73 câu chuyện gắn liền với các hiện vật, cuốn sách “Kỷ vật còn mãi với thời gian" sẽ dẫn bạn đọc theo từng dấu chân, từng câu chuyện cảm động về những người phụ nữ, những người con thân yêu của đất Việt. Họ đã nằm xuống vĩnh viễn trong lòng đất nhưng những gì họ để lại sẽ được lưu truyền đến ngàn đời sau. Mỗi kỷ vật tưởng như hết sức bình thường gắn bó với người phụ nữ trong cuộc sống bình dị nhưng lại chính là nơi cất giấu những tài liệu bí mật của Đảng - như chiếc lọ hoa bằng gỗ của bà Võ Thị Công lại làm nên  những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc; như chiếc đồng hồ của chiến sỹ biệt động Nguyễn Thị Minh Hiền dùng để theo dõi thời gian để chuẩn bị cho các trận đánh; cối giã gạo - nhịp chày là ám hiệu để báo cho bộ đội…

       Gắn với mỗi kỷ vật là một câu chuyện bình dị về cuộc sống, tình yêu, tình bạn… một kỷ niệm nhỏ nơi chiến trường khói lửa hay về mối tình sâu nặng mang theo suốt cả cuộc đời; là nỗi đau không gì chia sẻ được của một bà mẹ, là dấu ấn của những người Phụ nữ Việt Nam - những người đã hy sinh xương máu của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Người ta thường nói: “Những gì thuộc về dĩ vãng rồi sẽ chìm vào quên lãng, những gì thuộc về quá khứ một thời sẽ trở thành cát bụi hư vô”. Thế nhưng, với những kỉ vật thời kháng chiến đầy máu lửa có khi chỉ là những thứ rất đỗi giản dị lại có thể vượt qua không gian và thời gian trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Và tự thân những kỉ vật thì luôn sống mãi, nó nhân lên niềm tin và sức mạnh cho bao thế hệ người Việt Nam.

Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày Liệt sĩ Đỗ Văn Dũng hi sinh, thế nhưng giọng hát của anh và tiếng vỗ tay của đồng đội anh trong những phút nghỉ ngơi trên đường hành quân vẫn như còn đâu đây, rất gần gũi.

Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phạm Thị Khai - sinh năm 1928, run run đưa cho chúng tôi xem cuốn băng cátsét - kỷ vật duy nhất của đứa con trai thân yêu của mẹ. Sau ngày anh Dũng hi sinh, đồng đội anh đã cất giữ cuốn băng ấy để về trao lại cho mẹ anh. Bằng giọng kể đứt quãng, mẹ Khai nói con trai mẹ lúc nhỏ tính tình hiền lành, ít nói và chưa bao giờ hát cho mẹ nghe. Vậy mà khi vào chiến trường khói lửa, con trai mẹ lại có thể lạc quan, hát mọi lúc mọi nơi cho đồng đội nghe rồi nhờ anh em thu băng lại. Mỗi ngày mẹ đều mở cuốn băng ấy để nghe, để tin rằng con trai mẹ chưa bao giờ mất, vẫn còn đâu đây trong căn nhà nhỏ đã nuôi con khôn lớn. Giọng hát con, tiếng vỗ tay của đồng đội vẫn mãi mãi trẻ như tuổi xuân của con.

Mẹ Khai có hai người con thì cả hai đều hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, chị gái anh Dũng là Liệt sĩ Đỗ Thị Nga - tham gia cách mạng năm 1962 và hi sinh năm 1965 tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Chị ngã xuống khi vừa tròn 17 tuổi. Điều mà mẹ Khai còn giữ lại về con gái mình là nụ cười thật tươi khi ra đi và lời hẹn sẽ sớm trở về để lo cho mẹ. Lời hẹn ấy cho đến tận bây giờ chị vẫn chưa thể thực hiện.

        Kỷ vật thời chiến dù rất đỗi giản dị, nhưng trong mỗi món đồ ấy lại mang một câu chuyện về hồi ức đầy xúc cảm, đủ làm nên quá khứ, chất chứa hạnh phúc, yêu thương và cả nỗi đau sinh tử. Kỷ vật còn là người đưa đường, là sợi dây kết nối để người còn sống tìm lại với những đồng đội của mình đã nằm xuống ở chiến trường. Chính vì vậy mà đối với ông Ba Đức - thì bức tranh được vẽ bằng sơn dầu của Liệt sĩ Nguyễn Hữu Châu - hi sinh tại chiến trường Tây Ninh năm 1968 được Bác treo trân trọng trong nhà như một báu vật vô giá:
Sự khốc liệt của cuộc chiến tưởng như không có chỗ cho tình yêu tồn tại. Nhưng chính sự lãng mạn của những người lính đã viết nên nét đẹp riêng cho cuộc chiến. Đó là một bài thơ dang dở trong cuốn nhật kí được đồng đội tìm được sau trận chiến, chiếc lược người thương binh làm giữa 2 trận đánh....
 

Là một thế hệ trẻ sinh ra khi "Bắc - Nam sum họp một nhà" rất xúc động khi đọc lá thư gửi mẹ của “Cô gái mở đường” trước ngày hy sinh trong lòng thấy rưng rưng, khâm phục và tự hào về những cô gái "Mãi mãi tuổi 20". Những nét chữ được viết trên một tờ giấy không có dòng kẻ nhưng lại rất thẳng hàng, bởi tâm hồn của một nữ Thanh niên Xung phong, cũng là của một người con gửi mẹ, của một người chị gửi em:

 “….Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Còn ban ngày, chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con. Thằng Mỹ có hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ bé này….” - Đây là trích đoạn trong bức thư của chị Võ Thị Tần - tiểu đội trưởng tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 P18 Hà Tĩnh viết ngày 19 tháng 7 năm 1967 gửi về thăm mẹ. Nhưng có ai ngờ được, đây lại là bức thư cuối cùng chị gửi cho mẹ. Bởi vì chỉ năm ngày sau (ngày 24/7/1967), sau 18 lần địch dội bom bắn phá ác liệt, chị cùng với chín cô gái thanh niên xung phong cùng đơn vị đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ sửa đường cho các đoàn xe chở hàng ra tiền tuyến.

Chị Võ Thị Tần sinh năm 1949 tại xã Thiện Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1965 chị nhập ngũ và được biên chế ở C552, P18 tỉnh Hà Tĩnh thuộc lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ thông suốt các tuyến đường ra trận. Do có nhiều thành tích tốt trong công tác và chiến đấu, chị được Ban chỉ huy đơn vị giao cho nhiệm vụ Tiểu đội trưởng tiểu đội 4, C552. Từ tháng 4/1967, chị cùng đơn vị nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 15A đoạn trên ngã ba Đồng Lộc còn được mệnh danh là Tọa độ chết - một trọng điểm chiến lược quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Chị cùng với đồng đội đã bám trụ nơi tuyến lửa ác liệt này gần 200 ngày đêm để đào đường, sửa đường, tháo gỡ bom nổ chậm và đảm bảo giao thông xe an toàn. Với tinh thần xả thân quên mình “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, tất cả 10 cô gái làm việc ngày hôm đó đều đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, bỏ lại phía sau những giấc mơ còn dang dở. Ðể giữ cho mạch máu giao thông luôn thông suốt, ngoài sự hy sinh của 10 nữ TNXP ở ngã Đồng Lộc, trên khắp Tuyến 559 (Đường mòn Hồ Chí Minh) đã có 20 nghìn cán bộ, chiến sỹ, TNXP hy sinh, gần 30 nghìn người mang trên mình thương tật, hàng nghìn người nhiễm chất độc da cam.

Mảnh đất Hà Tĩnh hôm nay phủ một màu xanh thắm của đồi thông, màu vàng ươm của đồng lúa, sẽ luôn nhớ về các chị - Những đóa hoa bất tử. Và thế hệ trẻ hôm nay sẽ không bao giờ quên công ơn của thế hệ cha ông đi trước - những người đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam.

Cuốn sách như những thước phim quay chậm, nhằm tái hiện lại toàn cảnh và phản ánh một cách chân thực, sống động hình tượng người Phụ nữ Việt Nam trong sản xuất, xây dựng đất nước, trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và trong ngày giải phóng đất nước. Hy vọng, với cuốn sách này trong tay, bạn đọc sẽ hiểu được phần nào ý chí chiến đấu kiên cường, khôn khéo, dũng cảm và cuộc sống bình dị nhưng rất đỗi tự hào của người Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Xin trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả!

Hà Hằng

 

Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào
Scroll

© Bản quyền thuộc Thư viện tỉnh Hà Nam

Địa chỉ: Đường Trần Phú - Phường Quang Trung - TP.Phủ Lý - Tỉnh Hà Nam

Điện thoại: 0226.3851511 - Fax: 0226.3851511 - Email: [email protected]

Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Hà Nam" khi sử dụng lại nội dung trên trang thông tin

Đang Online:
2.595

Đã truy cập:
67.254.514
English