Giới thiệu cuốn sách: Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo
Cập nhật: 12/10/2022 15:37
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng ký ức vẫn còn nhức nhối trong tim về một thời bom đạn hào hùng và bi tráng, nó là những vết cứa hằn sâu trong tâm khảm mỗi con người từng đi qua thời hoa lửa. Trong hàng triệu con người đó có cả những người nữ anh hùng “chân yếu tay mềm” nhưng “mình đồng da sắt” ý trí kiên trung luôn trung thành với lý tưởng cách mạng cao cả.
Thư viện tỉnh Hà Nam xin trân trọng được giới thiệu tới quý độc giả cuốn sách “Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo”. Thêm một lần nữa làm nổi bật chân dunng những người phụ nữ làm nên những kỳ tích anh hùng, những người đã có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Kính thưa quý độc giả!
Nhà tù Côn Đảo là một trong những nhà tù lớn nhất và thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam được thực dân Pháp xây dựng nhằm giam giữ những tù nhân chính trị, tử tù. Nơi đây được xem là” trường đại học” lớn nhất của những người cộng sản yêu nước. Côn Đảo được coi là một bảo tàng sống về lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam.
Với mong muốn góp thêm phần tư liệu về truyền thống đấu tranh cách mạng của những người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là chị em nữ tù Côn Đảo. Nhà xuất bản Phụ Nữ đã xuất bản cuốn sách“Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo” ấn hành năm 2011, sách dày 432 trang. Cuốn sách dành những trang đầu giới thiệu “Người nữ tù chính trị đầu tiên” bà Đặng Thị Phi Yến; tiếp theo là “Người nữ tù duy nhất trong kháng chiến chống Pháp” chị Võ Thị Sáu. Cùng với chân dung 15 nữ tù Côn Đảo trong kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách đã tái hiện thực tế nhất quãng thời gian các mẹ, các chị bị đầy ải nơi “địa ngục trần gian”. Đồng thời khắc họa những nét riêng trong cuộc đời, số phận mỗi người. Những đóng góp vĩ đại khi còn trong lao tù và những cống hiến cao cả sau khi ra tù ở các cương vị khác nhau của mỗi người cũng được tác giả viết lại một cách đầy đủ. Song song đó là những tình cảm cao đẹp và thiêng liêng giữa các đồng đội, đồng chí với nhau.
“Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo” ngay từ trang bìa đã làm người đọc một phần nào đó cảm nhận được nội dung bên trong cuốn sách. Tác giả lấy ý tưởng từ những bông hoa rực rỡ phía sau song cửa sắt và hàng rào thép gai, đó chính là hình ảnh tượng trưng cho những người nữ anh hùng bị giam cầm nơi đây. Hơn 500 nữ tù chính trị Côn Đảo, với những đóng góp và hy sinh lớn lao cho dân tộc, các mẹ các chị đều là những gương sáng để thế hệ con cháu noi theo như: Liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu; Người con gái đất Rạch Gầm Kim Quyên; Những mẩu chuyện của người cựu tù - Bà Trương Mỹ Hoa; Ngục tù không ngăn nổi lời ca Trầm Hương... Mỗi một trang sách là một số phận, một hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau. Có những người bà, người mẹ nhưng cũng có những người tuổi đời còn rất trẻ mang trong mình bao ước mơ, hoài bão. Nhưng họ đã gạt bỏ hết những cái riêng của mình để cùng nhau đoàn kết. Họ có chung một lý tưởng, một tình yêu cách mạng, yêu tự do mãnh liệt.
Lật dở từng trang sách, người đọc không khỏi bồi hồi xúc động với hình ảnh chị Võ Thị Sáu, người con gái kiên trung bất khuất, tuổi đời còn trẻ nhưng đã 5 năm tham gia cách mạng. Ngày ra pháp trường chị vô cùng hiên ngang, gan dạ. chị nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”. Nói xong, chị bắt đầu hát bài Tiến quân ca. Khi lính xử bắn lên đạn, chị ngừng hát và hô vang những lời cuối cùng “Đả đảo bè lũ thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ Tịch muôn năm!” Khí khách đó như một lời khẳng định cho tinh thần yêu nước, căm thù giặc của chị. Chị đã hi sinh, một sự hi sinh anh dũng, kiên cường.
Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi lời ca
Có những người như chân lý sinh ra”.
Người phụ nữ Việt Nam không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, đảm đang trong sản xuất, trong lo toan việc gia đình, phụ nữ Việt Nam còn đảm đương nhiều chức vụ quan trọng kể cả trong kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước. Những người phụ nữ đó được ví như những đóa hoa Sen giữa đời thường trở thành lực lượng cách mạng quan trọng và “đội quân tóc dài” là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Cuốn sách “Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo” như lời tri ân sâu sắc đến các mẹ, các chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng của chính mình, để viết lên những trang sử hào hùng của đất nước trong thời chiến, cũng như xây dựng một đất nước hòa bình, phồn vinh và phát triển trong thời bình. Cuốn sách còn là một lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải biết hướng về cội nguồn và luôn ghi nhớ những chiến công to lớn của những anh hùng dân tộc. Đồng thời phải xác định được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân để nối tiếp truyền thống bảo vệ và xây dựng đất nước trong tương lai.
Chu Lương