Giới thiệu cuốn sách: "Biển đảo Tổ quốc tôi"

Cập nhật: 25/11/2021 09:17
Giới thiệu cuốn sách: "Biển đảo Tổ quốc tôi"

“Nếu Tổ quốc treo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

Lời thơ của tác giả Nguyễn Việt Chiến ngân dài vang mãi hình ảnh thật kiêu hãnh dáng đứng của những người lính đảo xa giữa mênh mông đại dương đang canh giữ cho quê hương yên bình. Qua những lời thơ đầy cảm xúc đó thì không khó để hình dung ra vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương đất trời. Và cái vẻ đẹp đó làm ta liên tưởng đến biển trời mênh mông, những hòn đảo xanh yên ả, những chuyến tàu đầy tôm cá...rồi đâu đó lại thấy được hình ảnh những người lính hải quân chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương...

Biển đảo là vùng lãnh hải thiêng liêng nhất của Tổ quốc Việt Nam, cũng là một đề tài lớn của văn học Việt Nam, bao gồm cả văn học cổ đại, trung đại và hiện đại. Đã có nhiều cuốn sách về biển đảo ra đời nhưng  cuốn sách“Biển đảo Tổ quốc tôi” do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2015 đây là một hợp tuyển đồ sộ nhất, phong phú nhất và cũng đa dạng nhất bao gồm cả thơ và văn xuôi.

Nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần:

 Phần 1: là thơ bao gồm cả thơ trung - cận đại và hiện đại.

 Phần 2: là ký và tạp văn

 Phần 3: truyện ngắn và tiểu thuyết

Có thể xem như một bức tranh toàn cảnh được vẽ bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Từ nét bút điêu luyện, mực thước và thâm hậu của cha ông ta cho đến những phác họa phóng túng, sinh động của các tác giả sinh ra khi nước nhà đã thống nhất, một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc đã hiện lên đầy đủ dáng vẻ kỳ vĩ như những gì nó có. Đặc biệt là mảng thơ văn viết về Trường Sa, một vùng sóng gió khốc liệt và bất an nhất.

Có thể kể ra như “Tổ quốc ở Trường Sa”,”Tiếng chuông vọng tiếng trống đồng Trường Sa” của Nguyễn Việt Chiến, Thao thức Trường Sa của Nguyễn Thế Kỷ, Cây phong ba trên đảo Trường Sa.. và ta sẽ thấy một Trường Sa rất giản dị từ màu hoa tím của muống biển, hoa đậu biển và màu hoa trắng của hoa phong ba, bão táp đến những người lính của Trường Sa đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, chăm sóc, yêu thương nhau như những người ruột thịt.

Và có một Trường Sa rất anh hùng qua Nơi ấy Trường Sa của Bùi Doanh. Ngày 14 tháng 3 năm 1988 trong một trận chiến đấu không cân sức, ba tàu vận tải của Hải quân Việt Nam đã bị phía đối phương bất ngờ tập kích bắn cháy, 64 cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ đã hy sinh anh dũng. Vì biển đảo, vì Tổ quốc các anh đã chiến đấu ngoan cường và thanh thản trở về lòng đại dương, nằm lại với biển đảo quê hương. Các anh đã trở thành những tượng đài bất tử cho một lần Tổ quốc được sinh ra.

Biển đảo thiêng liêng, nơi mà mấy trăm năm nay, bao thế hệ cha ông ta đã bảo vệ, gìn giữ bằng chính xương máu của mình. Một dẻo quần đảo chỉ có đá sỏi cỗi cằn và sóng gió khốc liệt nhưng dưới lòng biển hoang lạnh kia chứa đựng biết bao hài cốt của cha ông và các anh hùng liệt sỹ, nói như ông bà ta xưa khi ngậm ngùi tiễn người ra giữ Hoàng Sa ”Hoàng Sa mây nước trùng trùng – người đi thì có mà không thấy về”. Chính vì thế mà có một nhà văn chiến sĩ Trường Sa nói: ”Có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa và Hoàng Sa, mặn như máu”.

Nét đặc sắc nhất của hợp tuyển này là tính chân thực. Ta gặp ở đây rất nhiều cảnh ngộ, nhiều tấm lòng yêu thương gắn bó với biển đảo. Có cái nhìn sâu sắc, thâm hậu. Có cảm xúc dạt dào ngỡ ngàng của người mới nhìn thấy biển đảo lần đầu. Có cả tấm lòng từ xa ngưỡng mộ. Bên cạnh những tác giả cổ điển, những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đăng Khoa, Huy Cận, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Ma Văn Kháng, Phùng Quán...còn có cả những người mới cầm bút lần đầu như Giang Long, Lê Thành Nghị, Đức Ánh... Mỗi người một giọng điệu, một cách tiếp cận góp phần làm cho cuốn sách phong phú đa dạng. Đó là sức mạnh, cũng là sức hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách.

Đọc Biển đảo Tổ quốc tôi, bạn sẽ thấy có nhiều bài thơ đã được phổ nhạc thành bài hát như “Thơ viết về biển’, “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh... đã trở thành những bài hát quen thuộc với nhiều khán giả và đi cùng năm tháng.

Trong Biển đảo Tổ quốc tôi, biển đảo hiện nên rất sinh động theo thời gian, muôn màu muôn vẻ qua những bài thơ, bài ký, qua những truyện ngắn. Chúng ta sẽ thấy được những cảnh của các chiến sỹ đón giao thừa ở đảo Chìm, những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ và sâu sắc giữa cô giáo trẻ và anh lính đảo. Cảnh sắc thay đổi vô cùng sinh động qua thời gian và không gian, khi mặt trời lên và khi màn đêm buông xuống.

Tâm trạng bạn sẽ thế nào nếu đứng trước một buổi hoàng hôn trên đảo? Toàn phần chiếc gương nhuộm màu hung đỏ, mặt trời như một chảo lửa đỏ lừ cứ từ từ chìm xuống biển hắt ánh chiều nhuộm đỏ không gian. Khi đêm dần buông xuống, Trăng mười sáu tròn trịa như người thiếu nữ e thẹn cứ rụt rè đội biển mà lên, gió thổi nhẹ mang theo hơi mặn mòi, ngai ngái. Bóng người lính gác in trên hồ cát san hô. Biển sóng sánh màu bạc với những con sóng khẽ khàng trườn lên hôn thật nhẹ vào bờ cát.

Và có một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú xuất hiện ở Trường Sa trong mùa mưa mà có lẽ rất ít người biết đến nếu không phải là người viết bài này đã vinh dự là người lính đảo. Ở Trường Sa, cầu vồng xuất hiện trước và sau cơn mưa không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Có hôm cầu vồng xuất hiện một chân ở bên cực Bắc, một chân vắt sang mép sóng phía cực Nam của đảo. Toàn đảo chìm trong thế giới của bảy sắc lung linh huyền ảo đến ngỡ ngàng. Còn khi hai cầu vồng xuất hiện cùng một lúc gần như xếp chồng lên nhau, không gian lúc đó thật là hùng vĩ, một bên không có cầu vồng thì bầu trời u ám sám xịt, một bên xuất hiện cầu vồng đôi, trời rực sáng bẩy mầu đến hoa cả mắt. Đây đúng là những khoảnh khắc mà thiên thiên đã ban tặng những phút giây kỳ thú cho những người lính đảo.

Đối với người dân Việt Nam, biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc. Vì vậy có muôn vàn trái tim ngày đêm hướng về biển đảo, dành tình yêu cho những người lính biển, các lực lượng ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà. Bản thân tôi chưa từng đặt chân ra đảo, nhưng tôi luôn đến với biển bằng một tình yêu, và thật khó có thể đặt nghĩa được tình yêu đấy. Đó là niềm tự hào, say mê trước vẻ đẹp của những bãi cát dài, làn sóng biếc, vịnh đẹp nên thơ. Nhưng hơn hết, đó là nỗi xúc động trước những người đã làm đẹp hơn các bức tranh tuyệt sắc ấy.   

Trường Sa đẹp là vậy nhưng cũng có lúc cho thấy nỗi khắc nghiệt lớn nhất là nỗi cô đơn của lòng người. Trong “Hoàng hôn màu lá mạ”, nhà văn Chu Lai đã nhìn thấu tâm sự của chàng lính trẻ “Cái sợ nhất trên đảo là sự cô đơn anh ạ. Nhìn mãi ra biển nên đâm sợ màu xanh. Mỗi khi thủy triều rút, đầu óc thần kinh mình như bị rút theo sa sẩm cả mặt mày”. Tuy nhiên đối lập với hoàn cảnh khó khăn là những cảnh đẹp hiếm gặp ở Trường Sa và những giây phút thú vị nhất trên đảo là khi có các đoàn khách ra thăm, các đoàn văn công đến biểu diễn, những buổi ngụp lặn ngắm san hô, bắt cá, những lúc quây quần bên nhau kể chuyện quê nhà...Dù cuộc sống trên đảo còn muôn vàn khó khăn nhưng vì từng tấc đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc mà các chiến sỹ vẫn vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với Trường Sa “coi đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Qua những trang viết giàu hình ảnh và đầy cảm xúc, bạn đọc sẽ được trải nghiệm cuộc sống trên đảo với nhiều cung bậc cảm xúc: một Trường Sa thật dữ dội, khắc nghiệt nhưng cũng thật hiền hòa, dịu êm. Cuộc sống có lúc cô đơn dợn người nhưng cũng thật thú vị, đầm ấm và chứa chan tình người. Đọc xong cuốn sách chắc hẳn trong mỗi chúng ta sẽ đều ấp ủ mong muốn một lần được đến với Trường Sa thân yêu.

Bằng những con chữ mong manh và đầy giông gió, các nhà thơ và nhà văn của chúng ta đã cùng với cha ông cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho một vùng lãnh hải thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta. Nếu đạt được những giá trị nghệ thuật đích thực, những cột mốc chủ quyền ấy sẽ còn bền vững đến muôn đời.         

Trường Sa cứ vững vàng nơi sóng gió, lớp người này kế tục lớp người kia, tiếp bước cha anh giữ gìn vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Họ những con người không qnản ngại khó khăn gian khổ, họ không đơn độc giữa biển khơi. Luôn luôn có bên họ là Đảng, quân đội và nhân dân cả nước. Đặc biệt xung quanh họ còn bao điều hấp dẫn, kỳ thú, tìm hiểu và khám phá thiên nhiên, họ tìm được ở nơi đó một cái gì quen thuộc như chính quê hương mình và chính thiên nhiên giúp họ vượt qua tất cả.

Hồng Anh

 

Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào
Scroll

© Bản quyền thuộc Thư viện tỉnh Hà Nam

Địa chỉ: Đường Trần Phú - Phường Quang Trung - TP.Phủ Lý - Tỉnh Hà Nam

Điện thoại: 0226.3851511 - Fax: 0226.3851511 - Email: [email protected]

Ghi rõ nguồn "Thư viện tỉnh Hà Nam" khi sử dụng lại nội dung trên trang thông tin

Đang Online:
1.706

Đã truy cập:
67.594.396
English