“Theo em về với Hà Nam
Có dòng sông Đáy chảy tràn dốc thơ
Đôi bên đồi núi chớm mơ
Bức tranh thuỷ mặc thả tơ về trời”.
Hà Nam mảnh đất với bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá vẻ vang. Nơi đây đã nhuốm máu hồng của những người con anh hùng hào kiệt, hi sinh cả thanh xuân để bảo vệ hoà bình cho quê hương. Chính mảnh đất nghèo chiêm trũng này cũng nuôi dưỡng lên những tấm gương hiếu học, những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Mảnh đất nặng ân tình mà ai đã từng đặt chân đến nơi đây cũng phải bồi hồi, xao xuyến. Bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ của những người con khi xa quê cũng được khắc hoạ rõ nét dưới ngòi bút của các nhà văn, nghệ sĩ. Trong số đó có thể kể đến nhà văn Trần Đức Tiến, ông sinh ra tại làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân. Ông đã viết lên nhiều tác phẩm dành cho mọi lứa tuổi, phần lớn chất truyện của ông đều gắn liền với những câu chuyện có thật đời thường nơi làng quê Bắc Bộ.
Cuốn sách “Trên đôi cánh chuồn chuồn” là tác phẩm thứ 8 viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến. Sách dày 212 trang, với 27 truyện ngắn là 27 mảnh kí ức “một thời chăn trâu cắt cỏ”, được nhà văn ấp ủ, nâng niu. Tuy câu chuyện khác nhau, nhưng lại được kết nối chặt chẽ theo mạch thời gian và cảm xúc. Ông cứ nhẩn nha kể những câu chuyện ngày xưa ấy bằng giọng văn nhẹ nhàng, pha lẫn sự hài hước đáng yêu. Đọc "Trên đôi cánh chuồn chuồn" như lắng nghe một đứa trẻ kể chuyện vui tươi, trong sáng, thật thà.
Tác giả như vẽ ra bức tranh sống động của “làng Vũ Đại” một thuở, cách đây hơn nửa thế kỷ với một không gian trong trẻo, đầy chất thơ với “bãi ngô, bãi mía trải dài dọc triền sông miên man không giới hạn…thấp thoáng ven sông những chiếc lò gạch cũ” một không gian đậm chất cổ tích “đom đóm bay la đà trong những khu vườn, qua những ngõ tối. Khi có cơn gió thổi qua, đóm đóm bay túa lên từ mặt ao bèo, len lỏi vào những bụi trúc, bụi tre đang xào xạc, kẽo kẹt, với những tiếng sáo diều vi vít như bản hoà tấu nhạc đồng quê êm đềm, da diết”…
Trong cuốn sách, tác giả cũng gợi nhớ cảm xúc lâng lâng khi lần đầu tiên đọc được một cuốn sách hay, mơ hồ cảm nhận được sức hút không lý giải nổi của sách. “Tôi chìm lỉm vào cái thế giới hoàn toàn xa lạ và cám dỗ trong cuốn sách…Mấy ngày sau, tôi tiếp tục sống ngơ ngẩn trong không khí của cuốn sách lạ lùng kia - cuốn sách không đầu không cuối tình cờ vớ được trong đêm mưa bão.” Chính cuốn sách ấy đã dẫn ông đến chân trời mơ ước, sẽ viết ra những tác phẩm hút hồn bạn đọc.
Mặc dù trải qua bao thăng trầm, xô bồ của cuộc sống nhưng tác giả vẫn giữ nguyên được cảm xúc năm tháng tuổi thơ để viết nên những trang sách vô cùng ý nghĩa cho thiếu nhi. Bạn đọc mỗi khi mở trang sách ra như được hoà mình vào với tuổi thơ sắc mầu, với thế giới đầy mộng mơ được cất lên từ đôi cánh chuồn chuồn. Đúng như ai đó đã từng nói: “Tuổi thơ tôi là chuỗi ngày dài không hề rạn nứt, là những ngày đầu tiên biết ước mơ để rồi mang chúng vào đời, là những ngày đầu biết nói dối để đi chơi, có khóc, có cười, có những hờn dỗi của thời trẻ dại. Tuổi thơ cũng là những cung nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng như tiếng chảy của con sông quê hương, là những vết thương tứa máu khóc ròng nhưng sớm sẽ quên, không phải những vết thương lòng cứ mãi âm ỉ đi theo ngày tháng như bây giờ, như lúc này, như mai sau…”
“Tôi lớn lên với những cánh diều
Chiều nội đồng gió thoảng phiêu diêu
Bên triền đê thả bò đá bóng
Để bây giờ thương biết bao nhiêu…”
Trong bức tranh tuổi thơ ấy tác giả đã kể về một cậu bé, ông quá đỗi sâu sắc khi lồng ghép chính bản thân cũng như những kí ức tuổi thơ của mình vào cậu bé ngô nghê nhưng đầy ước mơ và hoài bão đó. Cậu bé sống trong ngôi làng nhỏ, cô đơn giữa đồng nước mênh mông.Tất cả những hình ảnh đời thường, mộc mạc nhất đã được tái hiện lại một cách khéo léo, tinh tế. Cậu ấy lớn lên, đi học, chơi đùa, yêu ghét, hy vọng và chờ đợi.
Ở đó, có những trò nghịch ngợm của lũ trẻ quê “lớn lên như con cua con ốc ngoài đồng, chơi những trò chơi có sẵn tự đời nảo đời nào, với những món đồ chơi tự làm nấy”: câu cá, thả cua, bắt chuồn chuồn, đánh đáo, trăn trâu thả diều, học bơi…Đến đây người đọc như được chìm đắm vào khung cảnh, con người, tập tục, đồ vật của những ngày xưa cũ: lớp học vỡ lòng của lũ trẻ làng với một ông đồ già nghiêm khắc, mẹo cho con thôi bú độc đáo của những bà mẹ trong dân gian, mẹo chuồn chuồn cắn rốn tập bơi, tục ăn cỗ ở làng quê xưa… và trong tiềm thức của một đứa trẻ, những câu chuyện bí ẩn như “ba bị chín quai”, “ma dạy bơi” bao giờ cũng có sức hút kì lạ. Tất cả đến và đi, để lại những dấu ấn khó phai trong ký ức tuổi thơ của cậu. Đọc “Trên đôi cánh chuồn chuồn”, bạn vừa có thêm một người bạn chất phác, trung hậu và mơ mộng, vừa được du lịch qua miền đất ngỡ quen thuộc mà hoá ra chưa bao giờ hết lạ lùng.
Thế giới “Trên đôi cánh chuồn chuồn” cũng nhiều mầu sắc như những chú chuồn chuồn ở miền quê vào mùa hè “chuồn chuồn Ngô mặc áo kẻ ca-rô đen vàng thích phơi mình trong nắng, chuồn chuồn Ớt với bộ cánh đỏ rực hay vàng tươi, suốt ngày la cà chỗ này sang chỗ khác. Chuồn Đất bé nhỏ, khiêm nhường lúc ẩn lúc hiện bên mô đất, bụi cỏ. Chuồn Nước thích soi gương, ưa đứng im trên cọng khoai ngứa bên bờ ao ngắm bóng mình in dưới nước. Lại có những ả chuồn Hoa gần giống một loài bướm, đậu xuống rồi mà đôi cánh sặc sỡ vẫn không thôi rập rờn…” Những chú chuồn chuồn ấy cứ bay trong buổi chiều đầy gió từng đem theo nhiều ước mơ của những đứa trẻ nhà quê ấp ủ trên đôi cánh mỏng sắc mầu.
Đọc những câu chuyện ấy, trẻ thơ có thể cười vui, người đọc lớn tuổi lại ngậm ngùi nhớ tiếc về ngày xưa tươi đẹp của mình. Nhà văn Trần Đức Tiến đã viết: “Năm tháng qua đi, tôi đã đến bao nhiêu vùng đất lạ, đã có bao nhiêu người bạn mới… Nhưng những cánh chuồn chuồn tuổi thơ dường như vẫn mải miết bay.”
Khép lại trang sách, cùng nguồn cảm xúc với nhà văn mà liên tưởng, tôi tin rằng mọi độc giả sẽ tự so sánh với tuổi thơ của mình, chắc hẳn vẫn có những lúc gian khổ, khó nhọc song cũng không kém phần ý vị, thơ mộng về một khoảng đời thần tiên mà mình đã sống và đi qua…Những mạch sóng ngầm cảm xúc lại dâng trào, lúc trầm lắng nhưng lúc lại dữ dội. Như vậy là nhà văn Trần Đức Tiến đã rất thành công khi ông phát biểu: “Viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ, và ta đang quay lại, chí ít là thoáng nghĩ về tuổi thơ của mình đã một thời như thế…”
Chu Lương