Tết Tết Tết Tết đến rồi....Mỗi khi giai điệu rộn ràng, vui tươi ấy của Nhạc sỹ Từ Huy mỗi khi vang lên lại khiến bao trái tim bồi hồi, rạo rực. Đó là giai điệu báo hiệu Tết đang đến và Tết Nguyên đán trở thành một trong những ngày lễ vui nhất của dân tộc. Ai cũng nô nức sắm sửa trang hoàng để đón Tết. Bà và mẹ bận rộn mua nào bánh trưng, bánh Tét, nào ngũ quả, mứt tết. Ông và bố ngắm nghía đào thắm, mai vàng, cây cảnh, tranh tết. Còn bạn, bạn có muốn đón Tết một cách riêng không ?
Vậy hãy cùng tôi đón Tết với ấn phẩm đặc biệt của Nhà xuất bản Kim Đồng “Nhâm nhi Tết’, một tuyển tập truyện thơ cùng những bài giới thiệu về âm nhạc, hội họa có chủ đề Xuân và Tết bạn nhé.
Xuân này mời bạn bước vào Góc đọc Tết với những câu chuyện mùa xuân ấm áp của tác giả Xuân Quỳnh, Trần Hoài Dương, Lý Lan, Kim Hòa, Rosita Nguyễn, nghe những lời thơ xuân đẹp đẽ của Nguyễn Hữu Tiến, Hoài Khánh, Thụy Anh, nếm món mứt của tác giả Gianni Rodari hay dự bữa tiệc party khoai mì với xóm siêu lầy lội ở xóm om xòm...Tham gia món thạch cá chép tiễn Ông Táo về trời của blogger Phan Anh, cùng chơi Tết, xem tranh và hát theo bản nhạc mùa Xuân. Nếu yêu lịch sử, bạn hãy ở lại Góc Tết xưa lâu hơn để nghe câu chuyện về một vị vua tuổi Tý, về việc làm rất ý nghĩa của một vị tướng nhà Trần trong một ngày cuối năm hay chia sẻ nỗi lòng “bài tập Tết’ của trẻ con một thời chưa xa. Và nếu bạn ưu tìm tòi hãy đến với Góc khám phá để biết được câu chuyện học vẽ tranh rất thú vị của Vicent van Gogh, hiểu vì sao các chiến sĩ ở Trường Sa lại ăn Tết vào những thời điểm khác nhau và cùng xem không khí Tết ở các nơi có gì đặc biệt.
Các bạn thân mến ! Có một bạn nhỏ trong cuốn sách đã thắc mắc hỏi “Mùa xuân về tự đâu ?” và chúng tôi nghĩ rằng chắc nhiều bạn cũng sẽ hỏi như vậy. Nhâm nhi Tết sẽ cho bạn thấy mùa xuân đến từ rất nhiều nơi. Từ Bảng hiệu mùa xuân cho cửa hàng tạp hóa mà hai anh em đã dành trọn tình cảm để làm cho người mẹ đã tần tảo buôn bán thức khuya dậy sớm. Dù vất vả nhưng người mẹ ấy rất ham học để biết chữ, biết được tên nhãn hàng hóa in trên bao bì sản phẩm mà không phải nhìn hình để phân biệt như trước, đọc được tin nhắn của chồng mà không cần phải nhờ con phiên dịch. Những ngày Tết người mẹ ấy tối nào cũng đọc một cuốn sách và có thể biết đâu sau Tết đáng nhớ này bà lại có thể mở thêm một sạp sách báo nho nhỏ.
Mùa xuân còn về trên những cánh đồng, bên cánh rừng với hoa cánh kiến nở vàng và hoa kim anh nở trắng xóa. Lúc đó là ngày hội của những anh Chuồn chuồn ớt đỏ thắm như ngọn lửa, của những chị Cánh cam diêm dúa, các chị Cào cào xòe áo lụa đỏm dáng...Những chú cá Rô, cá Mại mại, cá Cờ tung tăng bơi lội như đám rước dưới nước. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp nhưng lại rất giản dị trên cánh đồng mùa xuân. Và mùa xuân ấy như trọn vẹn hơn khi có sự chia sẻ quan tâm dành cho bạn Sẻ Đồng để trên cánh đồng sớm xuân nay không ai buồn và lẻ loi nữa.
Nếu bạn đang là những cô cậu trò nhỏ hay đã từng là học trò hẳn không bao giờ quên được tiếng trống múa lân ngày Tết với những cái đầu Lân và mặt ông Địa. Bạn sẽ thấy như được trở lại tuổi thơ và hòa mình vào trong những nhịp điệu cắc tùng của tiếng trống và gian hàng lưu động treo đầy đầu Lân xanh đỏ ngộ nghĩnh và những gương mặt tròn múp míp của ông Địa luôn cười toe toét, hiền khô trên chiếc xe ba bánh của ba con nhà Tài trong “Múa lân’ của tác giả Lý Lan.
Có bạn nào đã từng như tôi không, thời học tiểu học, tôi thường mong lại vừa sợ Tết. Được đi chơi, được ăn ngon, được mừng tuổi và hơn nữa lại được nghỉ học. Trong suy nghĩ của những đứa trẻ lúc bấy giờ có Tết là có tất cả. Nhưng mà Tết lại như một trò chơi mạo hiểm. Hay chính vì mạo hiểm mà nó lại có sức quyến rũ. Cũng như cậu bé trong câu chuyện Bài tập Tết của Nguyễn Trương Quý. Mặc dù phải giúp mẹ rửa lá, lau lá bánh để chuẩn bị cho Tết mà vẫn phải nghe mẹ cằn nhằn. Nhưng trong mấy ngày Tết ấy lại có những giờ phút thần tiên khiến cho trẻ con mụ mị trong sung sướng vì cảm giác là người tự do, có thể làm nhiều việc mình thích mà không nghe lời mắng hay cáu của bố mẹ. Nhưng ngày thần tiên ấy rồi cũng qua mau khi Tết sắp hết mà bài tập cô giáo giao về nhà lại rất nhiều. Và rồi có bò ra chép bài, làm bài thì cũng chỉ làm được nửa số bài và rồi dù có học tốt nhưng cậu vẫn bị cô giáo cho điểm 3. Có lẽ đây là một kỷ niệm đáng nhớ để rồi tuổi thơ đi qua thật nhanh như những ngày Tết để đến lúc lớn rồi không còn sợ bài tập Tết nữa thì cũng mất đi nỗi mong chờ ngày Tết.
Tết không thể thiếu được hương vị của các loại mứt. Có rất nhiều loại mứt: mứt dừa, mứt bí, mứt hạt sen...nhưng đã có khi nào bạn nghe thấy mứt từ vỏ gai hạt dẻ và quả tầm ma chưa. Nhưng đối với cô Apolilonia trong Nghệ nhân làm mứt ở SantAntonio thì không có loại mứt nào là không thể. Cô ấy làm mứt giỏi đến nỗi mứt của cô ấy nổi tiếng khắp từ thung lũng nọ đến thung lũng kia. Và nếu bạn nào có muốn làm món thạch cá chép tiễn ông Táo về trời thì sẽ cùng vào bếp với tác giả Phan Anh nhé.
Tết không chỉ ý nghĩa với người sống mà còn với cả ông bà tổ tiên, quê hương, xóm làng. Người tha hương nơi góc biển chân trời, ngày giỗ cha có khi còn ngậm ngùi bái vọng nhưng năm hết Tết đến thì nỗi sầu xa xứ bỗng trỗi dậy thôi thúc người ta tìm mọi cách để trở về với quê hương bản quán. Ăn Tết được hiểu bao gồm tất cả những nghi lễ, hoạt động vui chơi thăm viếng, chúc tụng trong ba ngày tết...Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chờ đợi nhất vẫn là ăn Tết với nghĩa quây quần bên mâm cỗ tết mà tận hưởng thành quả lao động của cả một năm vất vả cực nhọc, một nắng hai sương. Tục ngữ có câu: “Đi cày ba vụ không đủ ăn ba ngày Tết”. Quả là như vậy nhưng người ta vẫn dành dụm, thiếu thốn quanh năm để dồn cho mâm cỗ ba ngày Tết. Mâm cỗ Tết trước tiên được dâng cúng tổ tiên. Sau đó cả nhà quây quần bên mâm cỗ đầm ấm, sum vầy trong không khí rạo rực của mùa xuân, nâng ly rượu, chúc nhau một năm mới ấm no, hạnh phúc với bao điều tốt đẹp.
Và hãy cùng Nhâm nhi Tết hòa trong niềm vui đón Tết của các bạn học sinh của trường tiểu học Faylane khi các bạn tham gia vào chương trình mừng Tết Nguyên đán được đóng kịch và tham gia múa sư tử. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất với cô bé Hân và gia đình bé là được tham gia vào tiết mục trình diễn y phục truyền thống. Quốc phục của các sắc dân Hoa, Hàn, Việt, Nhật, Thái, Phi được chọn để mặc trình diễn. Trong bộ áo dài truyền thống của Việt Nam cô bé Hân thật xinh xắn và nổi bật.
Ta lại cùng Thái Kim Lan trong “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” trở lại Huế xem mùa xuân ở đó có gì khác không bạn nhé. Huế tháng Ba, nắng mưa như đan vào nhau ngỡ ngàng thành áo hoa mùa xuân, làm cho mùa xuân ẩn hiện bất ngờ mà người Huế gọi là mưa bụi. Mùa xuân của Huế như một điệu đàn không dây hầu như vỗ ngã đến tận cùng bản thể trong đó âm vang là những rung động không lời nhưng lại đầy mời gọi với hương hoa của mùa xuân, mùi của hương cau, hương mộc, trà mi quấn quýt bên hoa sim, hoa nhãn với những vườn hoa cải vàng bất tận quyện vào nhau tạo nên ý xuân vô lượng làm cho vạn vật chan hòa. Trong mùa xuân đầy hương hoa như như thế, trời Huế bàng bạc, mờ ảo với màu xanh của lá chuối, của lá tre, của mạ non..một màu xanh bồng bềnh chảy từ vườn ra sông ra suối đem lại vẻ thanh xuân cho Huế phơi phới hoa màu, ngọt mật hương sắc.
Nhâm nhi Tết đúng là bản hòa ca của mùa xuân, của đất trời. Ta nghe được cả những âm thanh, có hình ảnh và cảm nhận được hương vị của mùa xuân. Với những bài viết, câu chuyện thật giản dị và ý nghĩa với những bức tranh minh họa thật đẹp mắt Nhâm nhi Tết – một ấn phẩm đặc biệt sẽ là một món quà xuân mà nhà xuất bản Kim Đồng muốn dành tặng cho các bạn. Một cuốn sách không chỉ dành tặng cho trẻ em mà còn dành tặng cho người lớn đã từng là trẻ em. Một mùa xuân mới nữa lại đang về, hãy lắng nghe những giai điệu của mùa xuân và dành tặng cho nhau những lời chúc mừng năm mới nhé.
Hồng Anh